Khu đô thị thông minh – Thị trường tiềm năng của tương lai

Có mặt tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm trở lại đây song hầu hết các dự án căn hộ thông minh trong nước mới chỉ dừng lại ở khâu xây dựng và thiết kế, còn quá trình vận hành và quản lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó tại các quốc gia phát triển, một dự án căn hộ thông minh đúng nghĩa có sự đồng bộ của công nghệ thông minh từ khâu xây dựng, thiết kế cho đến vận hành.

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới như IoT, Trí tuệ nhân tạo… đã và đang tạo động lực để việc ứng dụng các giải pháp nhà thông minh ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam với hàng loạt tòa nhà, dự án, khu đô thị thông minh ra đời. Điển hình có thể kể đến RichStar, Green Valley, D-Vela, Botanica Premier, Saigon Intela (Tp.HCM), BRG Smart City, One 18 Ngọc Lâm (Hà Nội)…

Tuy nhiên, thị trường nhà thông minh trong nước vẫn mới chỉ ở bước khởi đầu, các hệ thống nhà thông minh chủ yếu được ứng dụng trong phân khúc cao cấp, các công trình cao tầng hiện đại. Thêm vào đó hầu hết dự án nhà ở thông minh mới chỉ dừng ở việc tích hợp công nghệ thông tin trong căn nhà nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người; trong khi quá trình quản lý, vận hành vẫn tuân thủ các quy cách truyền thống. Việc liên lạc, phản hồi, nắm bắt về chất lượng dịch vụ giữa cư dân và ban quản lý tòa nhà vẫn thông qua hotline, lễ tân, giấy báo, email; Ban quản lý lưu trữ hồ sơ từng căn hộ qua hồ sơ cứng hoặc các file mềm trên máy tính.

Nhìn ra các quốc gia phát triển trên thế giới, có thể thấy các dự án nhà ở thông minh không chỉ dừng ở khâu xây dựng, thiết kế mà còn là sự song hành của quá trình quản lý, vận hành theo xu hướng thông minh. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy thị trường phần mềm quản lý bất động sản tại nhiều quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Theo báo cáo “Thị trường phần mềm quản lý bất động sản toàn cầu 2017-2021” của Technavio, thị trường phần mềm quản lý bất động sản toàn cầu sẽ tăng trưởng đều, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 5% vào năm 2021. Một trong những động lực chính cho thị trường này là nhu cầu phần mềm quản lý bất động sản của các doanh nghiệp, đại lý, người môi giới đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng.

Thực tế này cho thấy nhiều dự án nhà ở thông minh Việt Nam đang phát triển khập khiễng và có phần hụt hơi trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Trong khi nhiều chủ đầu tư đã bắt kịp công nghệ 4.0 với việc hình thành những dự án, căn hộ thông minh thì các đơn vị quản lý tòa nhà vẫn vô cùng chậm chạp trước những biến đổi này.

Tuy nhiên thời gian gần đây, một số đơn vị quản lý tòa nhà đã chú trọng phát triển hệ thống công nghệ thông minh trong quản lý và vận hành tòa nhà, điển hình như: Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh iBMS (intelligent Building Management System)  của Công ty CP Quản lý và Khai thác Toà nhà PMC; Ứng dụng quản lý bất động sản SPMS của Savills Việt Nam.

iBMS là một hệ thống đồng bộ cho phép điều khiển và quản lý mọi hệ thống kỹ thuật trong toà nhà như hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điều hoà thông gió, cảnh báo môi trường, an ninh, báo cháy – chữa cháy …, đảm bảo cho việc vận hành các thiết bị trong tòa nhà được chính xác, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí vận hành. Hệ thống này cũng giám sát được môi trường không khí, môi trường làm việc của con người.

Còn ứng dụng quản lý bất động sản SPMS là phương tiện liên lạc chính thức và trực tiếp giữa các bên (ban quản lý, ban quản trị, chủ đầu tư, cư dân, khách thuê) trong chu trình quản lý bất động sản. Thay vì phải gặp mặt hoặc liên hệ qua điện thoại với ban quản lý, cư dân có thể thao tác ứng dụng SPMS trên điện thoại. Những thông báo tới cư  dân cũng được ban quản lý hay chủ đầu tư gửi qua hệ thống SPMS, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Bà Trần Minh Ái – Giám đốc Quản lý Bất động sản, Savills Tp.HCM cho biết việc ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý vận hành bất động sản giúp quá trình giao tiếp giữa Ban quản lý với cư dân trở nên chính xác, việc lưu trữ hồ sơ cư dân trở nên thuận tiện, không bị thất lạc thông tin. Hơn nữa tốc độc xử lý yêu cầu của cư dân cũng trở nên nhanh chóng hơn; chất lượng dự án được giám sát chặt chẽ hơn.

Báo cáo mới đây của JLL Việt Nam cho biết Tp.HCM và Hà Nội là hai trong những thành phố có lượng người trẻ tuổi ưa thích công nghệ nhất trên thế giới. Còn theo Báo cáo Hành vi Thanh toán Tiêu dùng của Visa năm 2017, có 84% số người trong nhóm người Việt Nam được khảo sát thừa nhận rằng họ mua hàng hóa trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng, cao thứ nhì khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Thái Lan 1%. Nhận thấy được tiềm năng của thế hệ trẻ Việt Nam, nhiều chủ đầu tư bất động sản nhà ở hiện nay cũng đang bắt kịp với cuộc cách mạng công nghệ và xây dựng các khu đô thị thông minh nhằm thu hút nhóm khách hàng trẻ này. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy các khu đô thị thông minh trong thiết kế, xây dựng và quản lý, vận hành sẽ là thị trường tiềm năng của tương lai.

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…