Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn Phước cho rằng nên ưu tiên nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.

Diễn đàn Kinh tế 2021 là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức (Ảnh: Quốc Chính).

Ưu tiên huy động trong nước

Phiên chiều của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 (5/12) có chủ đề “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”.

Tại phiên thảo luận, TS. Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia – nhấn mạnh một vấn đề hết sức được quan tâm, đó là việc phân bổ nguồn lực vào đầu tư công, y tế, doanh nghiệp… “Đó là sử dụng gói hỗ trợ. Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết được, không thực thi được gói hỗ trợ”, ông Phước nói. 

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn Phước nêu quan điểm nên ưu tiên việc huy động vốn thị trường trong nước. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.

Tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động repo (mua đi, bán lại trái phiếu), theo ông Phước nên xem xét việc NHNN mua trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng.

“Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm”, ông Phước nêu quan điểm.

Ông cho rằng gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. “Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn”, ông Phước nêu rõ khi tham luận.

Về mặt chính sách, vị này kiến nghị Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. “Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được”, ông nêu quan điểm.

Nhấn mạnh sự cần thiết gói hỗ trợ, song ông Vũ Sỹ Cường – Học viện Tài chính – cũng cho rằng không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn. Thứ hai cần có hỗ trợ chính sách tiền tệ để đảm bảo hài hòa chính sách.

Ông Cường cũng nhấn mạnh gói hỗ trợ cần có kế hoạch kịp thời, đẩy mạnh khả năng giải ngân. Thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư công. Đặc biệt cần gắn liền chính sách kinh tế với y tế. Theo đó, cần cụ thể hóa các kịch bản y tế để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư vì cảm giác không chắc chắn”, ông Cường nói.

Đề xuất chấp nhận tăng nợ công, giảm thuế VAT để kích cầu

Tại diễn đàn, Kinh tế trưởng WB – ông Jacques Morisset – nhấn mạnh năm 2021, kinh tế Việt Nam đã rất khó khăn. Năm nay, dự kiến tăng trưởng có thể khoảng 2,2%. Nền kinh tế đã trải qua cú sốc rất lớn.

Theo đó, vị này nhấn mạnh đến các giải pháp trong điều hành chính sách thuế để gỡ khó cho nền kinh tế. Bởi thuế không chỉ đơn giản để đảm bảo nguồn thu cho NSNN mà là công cụ trong khủng hoảng để bảo vệ người dân, doanh nghiệp.

Ông Jacques Morisset cho biết dự kiến tăng trưởng GDP 2021 của Việt Nam có thể khoảng 2,2% (Ảnh: Quốc Chính).

Kinh tế trưởng WB cho biết, không chỉ Việt Nam, các nước đều đang cố gắng sử dụng chính sách thuế để tăng sức chống chọi nền kinh tế. Theo đó, vị này đưa ra một số nguyên tắc cải cách thuế để áp dụng cho Việt Nam như xem xét cân đối nhu cầu chi, tránh chọn lựa những cải cách đơn lẻ – những cải cách đơn lẻ cần phù hợp với toàn bộ hệ thống thuế,

“Tất cả các biện pháp kích thích phải mang tính chất tạm thời kèm theo thời hạn ngừng áp dụng với việc giám sát và đánh giá các biện pháp đó”, vị chuyên gia WB nêu.

Cũng theo vị này, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung: Chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi vay. Tạm thời giảm thuế suất giá trị gia tăng đối với một số loại hàng hóa dịch vụ ở quy mô lớn hơn.

Đồng thời vị này đưa ra “một số ý tưởng táo bạo chỉ dành cho phục hồi kinh tế”. Trong đó kiến nghị giảm VAT để tăng kích thích tiêu dùng. Cụ thể, chấp nhận tăng nợ công, ví dụ khoảng 2% GDP, theo đó sẽ cho phép cắt giảm một nửa thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 5%.

“Chắc chắn sẽ kích thích tiêu dùng. Tất cả đều đang ảnh hưởng thì không thể bắt người dân trả đủ ngần ấy thuế”, chuyên gia WB nói.

Tại diễn đàn, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM – ông Trần Hoàng Ngân cũng có đề xuất cụ thể về cơ cấu gói hỗ trợ kinh tế xã hội. Trong đó, thứ nhất theo ông Ngân, chúng ta cần dành nguồn lực cho y tế, để họ sẵn sàng và nhanh nhất, chậm vaccine 1 ngày là đánh vào sức khỏe nhân dân. Đồng thời nâng cao cải thiện thu nhập đội ngũ y bác sĩ.

Thứ hai là một gói hỗ trợ mang tầm diện rộng nhiều ngành người dân được thụ hưởng, theo đó cần thiết có gói an sinh xã hội. Ngoài ra cũng cần có gói đầu tư công, ưu tiên cho đường cao tốc, hạ tầng số…

Cũng theo đề xuất của ông Ngân, cần đầu tư hơn nữa vào các đầu tàu tăng trưởng, tạo động lực, tăng thu ngân sách để trả nợ. Cụ thể, ông Ngân cho rằng cần đầu tư vào Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh thành với kinh phí 93.000 tỷ đồng.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, ông Ngân cho rằng nên triển khai 3 loại hỗ trợ. Trong đó có hỗ trợ phi tiền tệ (tháo gỡ về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…). Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp như kéo dài việc miễn giảm thuế phí. Hỗ trợ thứ ba là gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất (quy mô 1 triệu tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2%, kéo dài 2 năm, tổng vốn là 40.000 tỷ đồng, tập trung ưu tiên ngành có khả năng hấp thụ vốn).

Theo Dân Trí

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…