Để phòng vệ thương mại không là rào cản xuất khẩu
Dù số lượng vụ việc phòng vệ thương mại tăng nhanh, mang tới sức ép lớn nhưng nếu doanh nghiệp nhận thức rõ về vấn đề này cũng như có kế hoạch chủ động ứng phó thì đây sẽ là nhân tố chính để phòng vệ thương mại không phải là rào cản lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh tại cuộc trao đổi với phóng viên.
Phòng vệ thương mại là công cụ được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế. Đến nay, với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế, biện pháp này được sử dụng như thế nào trên thế giới, thưa bà?
Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa. Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp PVTM thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Đặc biệt, các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn thì càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM.
Tính đến hết tháng 10/2021, thế giới đã có hơn 7.000 vụ việc điều tra chống bán phá giá, hơn 600 vụ việc điều tra chống trợ cấp và hơn 500 vụ việc tự vệ. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đến hết năm 2021 đã có 209 vụ việc điều tra PVTM. Đáng kể, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM rất đa dạng, từ nông sản, kim loại như thép, nhôm, giày dép, sợi…
Ở chiều ngược lại, đến thời điểm hiện tại Việt Nam khởi xướng 25 vụ việc với hàng nhập khẩu, trong đó chủ yếu là các mặt hàng thép, nông sản, đường, bột ngọt, hóa chất, phân bón. Tuy nhiên, các mặt hàng Việt Nam điều tra ảnh hưởng chưa tới 1 tỷ USD. Điều này cho thấy, dù chúng ta đã hội nhập hơn 20 năm nhưng các biện pháp PVTM triển khai vẫn còn hạn chế, do Việt Nam mới giảm thuế sâu trong vòng 5 năm gần đây.
Việc xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu đòi hỏi sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Vậy, đến nay, theo bà, mức độ nhận thức cũng như khả năng ứng phó của doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước trước các vụ kiện PVTM hiện nay là như thế nào?
Như chúng ta đều thấy, so với thế giới, kinh nghiệm về PVTM của Việt Nam còn tương đối hạn chế, bởi đa số vụ kiện điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu mới xuất hiện 10 năm trở lại đây. Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp, cách đây 20 năm lần đầu tiên gạo xuất khẩu của Việt Nam bị Colombia điều tra PVTM đến nay nhận thức của họ về PVTM đã có sự chuyển biến khát tích cực. Cụ thể, trước năm 2000 khi có các vụ việc thông báo khởi xướng điều tra, hầu hết doanh nghiệp ít quan tâm, chủ động ứng phó. Đến năm 2003 khi Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá cá da trơn thì lúc này doanh nghiệp mới thực sự để ý, quan tâm đến vấn đề PVTM.
Đặc biệt, thời gian gần đây, với tiến trình hội nhập của nền kinh tế, các vụ việc điều tra PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nhiều lên và doanh nghiệp vì vậy cũng đã bắt đầu quen với vấn đề này.
Nếu như trước năm 2015 chúng tôi luôn phải thông báo cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đều lo ngại và bỡ ngỡ khi phải đối diện với các vụ việc điều tra, nhưng hiện thực trạng này đã được cải thiện, thay đổi tích cực. Nhất là sau khi Cục Phòng vệ thương mại được thành lập, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và có giải pháp ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM. Đáng kể tới là các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, đặc biệt quan tâm đến PVTM, thậm chí không ít doanh nghiệp đã có bộ phận phụ trách về PVTM và họ hiểu, nắm các vấn đề về PVTM rất rõ.
Nhằm đảm bảo hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng là theo dõi sát diễn biến thị trường, cảnh báo sớm nguy cơ xuất hiện các biện pháp hạn chế thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt. Bà có chia sẻ nào về vấn đề này?
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, ngành hàng, thời gian qua, Bộ Công Thương, cũng như Cục Phòng vệ thương mại đã đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm về PVTM, trong đó, nòng cốt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất khẩu để cánh báo các vụ việc điều tra PVTM từ nước ngoài cũng như dữ liệu hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp nền tảng để cung cấp thông tin thường xuyên về PVTM xuyên cho doanh nghiệp trong ngành này; đồng thời tăng cường thực hiện tư vấn cho doanh nghiệp, ngành hàng trong trường hợp nào thì xây dựng hồ sơ để áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, công tác cảnh báo sớm về các nguy cơ kiện PVTM là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó thành công trước các vụ việc điều tra từ nước ngoài. Theo đó, dựa trên số liệu xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước và các nước với nhau cơ quan quản lý sẽ tìm ra dòng chảy thương mại mang tính bất thường, đột biến, là mối quy nguy với nước nhập khẩu để cánh báo cho doanh nghiệp, ngành sản xuất. Cũng như liên hệ với trực tiếp với hệ thống thương vụ tìm hiểu thông tin kỹ hơn về động thái thị trường xuất khẩu.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thời gian các nước thông báo điều tra PVTM rất ngắn trong khi doanh nghiệp phải nộp rất nhiều thông tin để phục vụ điều tra, vì vậy, để ứng phó hiệu quả thì công tác cảnh báo càng sớm, càng chi tiết càng tốt. Do đó, bước đầu, công tác cảnh sớm đã đạt được những hiệu quả nhất định, bảo vệ được lợi ích của hàng hóa của Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên do nguồn lực nên hiện dung lượng thị trường, ngành hàng cảnh báo vẫn chưa nhiều. Trước vấn đề này, để giúp doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biện pháp PVTM, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cảnh báo nhiều thị trường, ngành hàng.
Về phía Cục Phòng vệ thương mại, thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Cục sẽ có những hoạt động trọng tâm nào?
Thực tế đang cho thấy, thách thức đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ rất lớn khi các nền kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn do dịch bệnh, xu hướng bảo hộ gia tăng. Đặc biệt, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng do Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tuy nhiều điều này đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến xuất hiện nhiều hơn các biện pháp PVTM đối với xuất khẩu.
Trước bối cảnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường triển khai các biện pháp đảm bảo quản lý chặt về gian lận xuất xứ, nâng cao năng lực phòng tránh kiện PVTM. Theo đó, công tác về PVTM sẽ tập trung vào 5 trụ cột chính, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ ngành sản xuất; sử dụng công cụ PVTM linh hoạt, phù hợp với quy định của WTO; tăng cường nâng cao năng lực về PVTM cho cơ quan quản lý; triển khai các chương trình đào tạo về PVTM cho doanh nghiệp, ngành sản xuất, trong đó chú trọng phối hợp với các hiệp hội xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, phù hợp với các thị trường chiến lược; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các nước có nhiều vụ việc điều tra, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dù có vụ việc xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Công Thương