Vì sao sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng khó vào hệ thống bán lẻ lớn?

Mặc dù các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương đã được các địa phương công nhận về chất lượng và được nhiều cửa hàng thực phẩm đón nhận, nhưng mới rất ít sản phẩm vào hệ thống bán lẻ lớn. Đại diện các bán lẻ lớn cho rằng hồ sơ sản phẩm chưa hoàn chỉnh, bao bì chưa bắt mắt là những lí do của vấn đề này.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày,giới thiệu tại Big C (Go) Đà Nẵng

Những cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng bán sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng tại TP. Đà Nẵng ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương ngày càng ổn định và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, mới chỉ có rất ít sản phẩm OCOP vào được hệ thống bán lẻ lớn như các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại.

Lí giải về vấn đề này, theo nhiều nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Đà Nẵng, để đưa một sản phẩm lên kệ hàng thì hệ thống các siêu thị bán lẻ lớn, trung tâm thương mại luôn đòi hỏi những yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể. Đặc biệt, đối với các mặt hàng thực phẩm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe các tiêu chuẩn này càng nhiều hơn.

Trong khi đó, rất nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương dù được người tiêu dùng đón nhận nhưng về mặt các hồ sơ sản phẩm, nhất là các chứng nhận về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến không đạt yêu cầu.

Tại siêu thị Big C (Go) Đà Nẵng dành riêng một khu vực ở vị trí “vàng” 4 quầy hàng để giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP. Dù vậy, so với số lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của cả nước thì con số sản phẩm trên các kệ hàng vẫn chưa nhiều.

Tham gia một phiên kết nối trực tuyến để tìm kiếm sản phẩm mới đưa vào siêu thị phục vụ người tiêu dùng, bà Võ Thị Yến Xuân – Phụ trách thu mua cho hệ thống siêu thị Big C (Go) miền Trung cho hay bà mới liên hệ trao đổi với một đơn vị sản xuất, chế biến măng rừng khô tại Kon Tum. “Sản phẩm này chúng tôi đã khảo sát, làm việc nhiều lần và mong muốn đưa vào siêu thị, tuy nhiên, đến hiện tại đơn vị vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ sản phẩm theo quy định nên siêu thị vẫn phải chờ”, bà Xuân nói và cho biết, hồ sơ sản phẩm chính là điểm yếu lớn và phổ biến nhất mà các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương hiện còn đang gặp phải. “Nhiều sản phẩm qua khảo sát phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng, siêu thị muốn đưa lên kệ hàng nhưng lại vướng hồ sơ sản phẩm không đầy đủ, nhất là đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”, bà Xuân chia sẻ.

Theo đại diện các siêu thị, một hạn chế dễ thấy, trực quan nhất ở các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương chính là thiết kế bao bì chưa bắt mắt, chưa thu hút người tiêu dùng.

Ông Lê Quang Thanh – Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết siêu thị luôn ưu tiên và tìm kiếm đưa những mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng của các địa phương vào hệ thống các siêu thị của Co.opmart trên toàn quốc. Theo ông Thanh ngoài hồ sơ sản phẩm thường không đầy đủ, đa phần các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu thương mại. Tức là mới chỉ sản xuất ra sản phẩm mà còn “hời hợt” trong việc “chau chuốt” bao bì, nhãn mác và bảo quản sản phẩm thực phẩm, nông sản. “Các bao bì sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng thường không bắt mắt, thậm chí nhiều sản phẩm in hạn sử dụng còn bị nhòe, việc đóng gói sơ sài rất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”, ông Thanh thông tin.

Ngoài ra, sự thiếu chuyên nghiệp trong thực hiện các cam kết, nhất là cam kết về số lượng sản phẩm cũng là một điểm yếu mà các đơn vị hay mắc phải và cần sớm khắc phục. “Chúng tôi đã gặp nhiều đơn vị khi kí hợp đồng cung ứng sản phẩm cho siêu thị thì cam kết cung ứng đủ sản lượng hàng hóa, nhưng chỉ được một thời gian đầu sau đó thì thiếu trước hụt sau”, đại diện một siêu thị tại TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Cũng theo khảo sát của các siêu thị, trung tâm thương mại tại nhiều phiên kết nối cung cầu, giao thương cả trực tiếp và trực tuyến thì hiện nay người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng nói riêng đang dành một sự quan tâm và có nhu cầu sử dụng ngày một nhiều hơn các sản phẩm hữu cơ (sản phẩm organic), nhưng các sản phẩm OCOP, sản phẩm thương mại đặc trưng còn khá thiếu hụt dòng sản phẩm này.

Dù chỉ mới được chứng nhận OCOP 3 sao, các sản phẩm rau ăn lá của HTX dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP. Đà Nẵng. Ông Bùi Dũng – Giám đốc HTX cho biết không phải đợi đến chứng nhận OCOP mà trước đó đơn vị đã đưa được sản phẩm vào các siêu thị nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cũng như đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về hồ sơ chất lượng sản phẩm. “Ngoài các tiêu chuẩn chung, trước khi đưa rau vào các hệ thống bán lẻ, các nhà bán lẻ đều có lên kiểm tra, khảo sát kèm theo những tiêu chuẩn riêng. Sau khi vào hệ thống bán lẻ, định kỳ các đơn vị sẽ lên kiểm tra, đánh giá lại, nếu đủ tiêu chuẩn mới tiếp tục duy trì hợp tác”, ông Dũng nói và cho rằng những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm vừa đảm bảo uy tín của đơn vị bán lẻ, sức khỏe của người tiêu dùng, cũng là động lực để các đơn vị sản xuất phải tự “chuẩn hóa”, hoàn thiện mình hơn, có nhu vậy mới khẳng định được thương hiệu và đứng vững trên thị trường.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…