Trung Quốc ‘cho không’ Myanmar vắc xin ngừa COVID-19

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ tặng Myanmar một lô vắc xin ngừa COVID-19 và sẽ tiếp tục cung cấp vật tư y tế chống dịch theo nhu cầu của Naypyidaw. Giới quan sát không tin đây là một ‘bữa trưa miễn phí’.

Thông báo được đưa ra ngay trong lúc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến thăm 2 ngày tới Myanmar và gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của nước này.

Trong thông cáo ngày 12-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Naypyidaw sẽ tiếp tục thảo luận về “hợp tác vắc xin”. Tuy nhiên, trước mắt Myanmar sẽ nhận được một lô vắc xin ngừa COVID-19 hoàn toàn miễn phí từ Trung Quốc.

Thông cáo không nói rõ lô vắc xin này có bao nhiêu liều. Myanmar ghi nhận tổng cộng hơn 131.000 ca mắc COVID-19, nhưng theo các nhà quan sát, con số trên thực tế có thể cao gấp nhiều lần do tỉ lệ xét nghiệm thấp.

Chuyến thăm lần này của ông Vương Nghị tiếp tục thu hút sự chú ý từ giới quan sát trong khu vực. Theo Tân Hoa xã, ngoại trưởng Trung Quốc đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing ngày 12-1. Trong đó, ông Vương Nghị bày tỏ hi vọng các dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Myanmar (CMEC) sẽ sớm được nối lại và triển khai suôn sẻ.

Hồi tháng 9-2020, ngoại trưởng Trung Quốc từng đến Myanmar để phá bế tắc trong các dự án thuộc CMEC. Theo Hãng tin Reuters, CMEC nằm trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) và là một mắt xích quan trọng trong nỗ lực vươn ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc.

Một khi CMEC hoàn thành, hàng hóa và dầu từ Trung Đông sẽ cập cảng Myanmar rồi chảy thẳng tới Trung Quốc thông qua tỉnh Vân Nam mà không cần qua eo biển Malacca vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, việc triển khai CMEC gặp nhiều khó khăn do sự chia rẽ trong nội bộ giới cầm quyền Myanmar và bất ổn từ các cuộc xung đột vũ trang. Chính quyền dân sự của bà San Suu Kyi tỏ ra thận trọng trước các dự án vay vốn từ Trung Quốc do lo sợ “bẫy nợ”. Việc chính phủ muốn đàm phán lại một vài dự án trong số này là một trong các nguyên nhân tạo ra trì trệ.

Trong khi đó, quân đội Myanmar – lực lượng có sức ảnh hưởng mạnh trong chính trường – lại không cùng quan điểm với chính quyền dân sự. Quân đội Myanmar cũng là lực lượng trực tiếp đối đầu với các nhóm phiến quân hoạt động tại các vùng có dự án của Trung Quốc. Điều này lý giải vì sao ngoài gặp bà San Suu Kyi, ông Vương Nghị phải gặp riêng người đứng đầu quân đội Myanmar.

Ngoại trưởng Trung Quốc đang có chuyến thăm một loạt nước Đông Nam Á. Sau khi rời Myanmar, ông Vương Nghị sẽ tới Indonesia, Brunei và Philippines trước khi trở lại Trung Quốc ngày 16-1, theo Reuters.

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…