Cơ hội xây dựng đại học thông minh
GD&TĐ – Trí tuệ nhân tạo (AI) đã có sự tác động mạnh mẽ đối với giáo dục, là công cụ hỗ trợ cho sự chuyển dịch từ người thầy làm trung tâm sang người học làm trung tâm và bắt đầu cho sự chuyển đổi sang cá thể hóa người học… Đây chỉ là một trong những tác động ở giai đoạn sơ khai của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong GD&ĐT.
Từ Smart Campus…
Đề tài “Hệ thống quản lý bãi đỗ xe máy thông minh cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng” do sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thực hiện đã đạt giải cao trong cuộc thi Smart Campus năm 2019. Nhóm sinh viên thực hiện đề tài chia sẻ: “Hệ thống này của chúng em nhằm tận dụng mã vạch để định danh người dùng kết hợp xử lý ảnh để nhận diện biển số xe giúp kiểm soát quá trình gửi xe vào và lấy xe ra”.
TS Nguyễn Thị Anh Thư – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, và là Phó Trưởng khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2017 – 2018 đến nay, bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, sinh viên Trường ĐH Bách khoa đã tham gia mạnh mẽ các cuộc thi Smart Campus do Viện DNIIT tổ chức, với sự đồng hành, tài trợ của ĐH Vùng Côte d’Azur (UCA), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và cộng đồng doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực ICT nhằm hướng đến mục tiêu thiết lập mạng lưới truyền thông kết nối các dịch vụ thông minh trong không gian các trường đại học thành viên ĐH Đà Nẵng để hỗ trợ dạy, học, nghiên cứu và sáng tạo trên nền tảng IoTs (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Trong chiến lược trở thành một ĐH thông minh (Smart University), từ năm 2018, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã bắt đầu xây dựng chương trình khoa học công nghệ tập trung vào xác định kiến trúc đại học thông minh, thiết kế và xây dựng hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý đại học và chăm sóc các bên liên quan dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), mạng kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData) và điện toán đám mây (Cloud Computing).
PGS.TS Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Nhà trường sẵn sàng đầu tư, ứng dụng các sản phẩm, phát triển các ý tưởng của sinh viên, giảng viên ngay chính tại giảng đường và khuôn viên trường. Nhà trường hướng đến thiết lập một mạng lưới truyền thông kết nối các ứng dụng hỗ trợ việc dạy – học, dịch vụ hỗ trợ sinh viên ngày càng thông minh hơn”. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã triển khai một số cơ sở vật chất và dịch vụ như: Phòng học trực tuyến thông minh (DLS); hệ thống học tập trực tuyến (LMS); hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến (Dashboard); cổng thông tin sinh viên một cửa; hệ thống xe máy điện xanh; hệ thống lưới điện kết nối dùng năng lượng mặt trời…
Một số hệ thống và ứng dụng “thông minh” khác đang được các nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa thiết kế và thử nghiệm như: Hệ thống chào đón cán bộ viên chức và quản lý an ninh toà nhà dựa trên nhận dạng hình ảnh, hệ thống điểm danh sinh viên tự động bằng kỹ thuật nhận dạng khuôn mặt người, hệ thống giám sát ô nhiễm nguồn nước bằng mô hình nhận dạng hành vi bơi lội của cá qua tín hiệu video, phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh đánh giá độ tươi thực phẩm bằng công nghệ xử lý hình ảnh…
Đến đại học đổi mới – sáng tạo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, trong Hội thảo Ứng dụng CNTT và tập huấn xây dựng cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2019 cho biết: “Với việc học trực tuyến, phần mềm sẽ ghi lại hết quá trình học của từng người một, ngày giờ nào vào học cái gì, trong kiểm tra đánh giá mạnh yếu cái gì. Từ đây, với việc sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để phân tích từng người một sẽ đưa ra gợi ý từng gói học phù hợp với từng người. Một lớp học truyền thống 5 – 70 người thì người thầy chỉ có thể cảm nhận chung về lớp học chứ không thể biết cụ thể từng người học đang học như thế nào.
Nhưng với sự phát triển của hệ thống học trực tuyến thì có thể biết được quá trình của từng người học, kể cả quá trình tự học”. Theo như PGS.TS Phạm Văn Tuấn, việc ứng dụng công cụ và dịch vụ ICT đã hỗ trợ cho việc dạy – học ngày càng “thông minh” hơn như học online, tự đánh giá, giám sát kết quả học tập, hỗ trợ học tập nhóm… Đây cũng là một trong những cơ sở để Trường ĐH Bách khoa triển khai các phương pháp dạy – học tiên tiến được áp dụng trên thế giới dựa trên nguyên lý CDIO (Conceive-
Design-Implement-Operate), các mô hình Học theo dự án (Project Based Learning), Học từ trải nghiệm thực tiễn (Learning Express), Học qua dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS, MEP, eProjects, URI). Trường ĐH Bách khoa cũng đã phối hợp với Không gian Sáng chế (Maker Space) tại ĐH Đà Nẵng để triển khai mô hình học tập qua làm dự án (Learning by Doing).
“Nhà trường đã phát triển và đưa vào vận hành Hệ thống quản lý thông tin đào tạo trực tuyến bao gồm các trang tin đào tạo cung cấp thông tin về quy chế, quy định đào tạo, chương trình đào tạo, thông báo về kế hoạch năm học, kế hoạch đăng ký học và đóng học phí, lịch học và lịch thi, thông tin tuyển sinh, kế hoạch công nhận tốt nghiệp và lễ trao bằng, kết quả xét học vụ, công khai và xác thực bằng tốt nghiệp đã cấp… đồng thời tiếp nhận thông tin phản hồi của SV đối với lớp học phần, khóa học, các hoạt động quản lý của trường” – PGS.TS Phạm Văn Tuấn cho biết.
Trong chiến lược phát triển trường đại học thông minh định hướng phối hợp phát triển thành phố thông minh, nhóm nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực của ĐH Đà Nẵng gồm các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên đến từ các cơ sở giáo dục thành viên của ĐH Đà Nẵng gồm: Trường ĐH Bách khoa, Viện Công nghệ Quốc tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kinh tế, Trường Cao đẳng CNTT, và các đối tác đại học, chính quyền, doanh nghiệp đã tham gia các phiên báo cáo, tham luận, triển lãm, đề xuất các giải pháp về xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh – Smart City Summit 2019 của TP Đà Nẵng nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT, Big Data, AI…
Theo Giaoducthoidai.vn