Thư viện miễn phí ở vùng cao

15h chiều thứ bảy, đám trẻ đứng ngoài sân nhà chị Nguyễn Thị Hồng Phương (30 tuổi, ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) chờ thư viện miễn phí mở cửa.

Nhiều phụ huynh chở con đến thư viện mượn sách đọc tại chỗ. Ảnh: Hoàng Táo

Cửa mở, hơn chục em ùa vào, ríu rít chọn sách. Không gian đọc sách là phòng khách nhà chị Phương, rộng chừng 30 m2. Bốn bức tường là các giá gỗ kín sách, ở giữa trải thảm, kê thêm hai chiếc bàn rộng để các em ngồi đọc.

Một nhóm chọn truyện tranh tự đọc, nhóm khác tụm lại chờ chị Phương đọc sách cho nghe. Chọn một cuốn sách tranh minh họa cỡ lớn có nhiều hình ảnh cuốn hút, chị Phương đọc cho các em nhỏ 5 tuổi nghe câu chuyện chú sâu ăn nhiều loại hoa quả, rồi biến thành con bướm xinh đẹp.

Sau khi đọc, chị Phương chơi một số trò chơi, hỏi lại nội dung vừa đọc để kiểm tra sự chú ý, cũng như giúp các em nhớ hơn về câu chuyện.

Ít phút sau, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (29 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh) dẫn hai con 4 và 5 tuổi đến đọc sách và mượn thêm ít sách về nhà. Cuối tuần, chị Nguyệt thường dẫn hai con đến đổi sách cũ sang sách mới.

Mỗi lần chị Nguyệt mượn khoảng 3 cuốn về các chủ đề không nói dối, đức tính dũng cảm… đọc cho con vào buổi tối. Trước đây chị hay mua sách nhưng không được nhiều, từ ngày có thư viện miễn phí chị thường đến mượn.

Chị Phương (phải) giới thiệu cuốn sách tiếng Nhật đến hai nữ sinh lớp 12. Ảnh: Hoàng Táo

Tương tự nữ sinh lớp 12 Hoàng Anh Phương và bạn đến thư viện mượn tiểu thuyết, sách về trải nghiệm cuộc sống. Đang học tiếng Nhật, Phương thường mượn sách tiếng Nhật để tăng thêm từ vựng, hiểu thêm văn hóa của người Nhật.

Chăm chú bên giá sách tiếng Nhật, hai nữ sinh được chủ thư viện giới thiệu một cuốn sách tranh mới. Hai em cho hay ở thị trấn vùng cao Khe Sanh, rất khó để tìm được những cuốn sách ngoại ngữ.

Từng là giảng viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, vì lý do gia đình, từ năm 2015 chị Phương chuyển về Khe Sanh sinh sống. Đam mê đọc sách từ nhỏ, chị tìm mua nhiều loại sách đọc, lâu ngày thành một kho sách phong phú.

Chị Phương bộc bạch, gia đình có nhiều đầu sách, trong khi đọc một mình thì lãng phí, giá trị của sách không phát huy hết nên mở cửa cho nhiều người đến đọc từ hơn một năm trước. Thư viện gia đình có khoảng 2.000 đầu sách, dành cho thiếu nhi và cả người lớn, có cả sách ngoại ngữ tiếng Anh và Nhật.

“Mình thấy mọi người không có thói quen đọc sách, nhất là các cháu nhỏ, trong khi tác dụng đọc sách rất tốt nên muốn tận dụng số sách hiện có”, chị giải thích.

Thư viện mở cửa từ 16 đến 18h từ thứ hai đến thứ sáu, riêng thứ bảy mở sớm hơn và thường tổ chức các buổi đọc sách cho trẻ nhỏ. Chị Phương cũng bổ sung sách liên tục theo nhu cầu của các gia đình đến mượn. Trong đó, các dòng sách kinh điển và nổi tiếng luôn được cập nhật.

Chị Phương kể, sau một năm nhiều phụ huynh thấy tác dụng tốt của thư viện miễn phí nên tình nguyện mang sách của cá nhân đến. Thói quen đọc sách cũng lan đến nhiều học sinh và người lớn. Nhiều em trân trọng sách hơn sau thời gian dài mượn sách miễn phí, vì còn để cho nhiều người khác cùng mượn.

Theo vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *