Báo Nhật nói gì khi VinFast dần bước vào thị trường phương Tây, cạnh tranh với các ‘ông lớn’ Tesla, Volkswagen?

VinFast hiện đang chuẩn bị cho mục tiêu tiến vào thị trường xe điện tại Mỹ và châu Âu trong thời gian tới.

Nikkei Asia đưa tin, Vingroup – tập đoàn hàng đầu Việt Nam, đang tìm cách thâm nhập thị trường ô tô phương Tây với những mẫu xe điện đầu tiên, sau chỉ vài năm bước chân vào lĩnh vực sản xuất ô tô.

Hai mẫu xe điện của công ty con VinFast sẽ được trưng bày tại Los Angeles Auto Show diễn ra vào tháng tới ở California, Mỹ. Công ty sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng tại Mỹ và châu Âu trong nửa đầu năm sau. Giá cả và các chi tiết khác dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/11.

“Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ và tiến hành nghiên cứu kỹ thị trường để tạo ra những chiếc xe điện cao cấp, đáp ứng mong muốn của khách hàng toàn cầu. Đây mới chỉ là bước khởi đầu”, Phó Chủ tịch Vingroup Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Xe điện hiện vẫn gặp nhiều thách thức trong thị trường Việt Nam. Do vậy, thị trường nước ngoài được đánh giá là yếu tố cần thiết để Vingroup đạt được các mục tiêu trong kinh doanh ô tô – lĩnh vực mà tập đoàn đang tập trung xây dựng thành một phần cốt lõi trong danh mục đầu tư.

Đáng chú ý, VinFast cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng: bán được 160.000 đến 180.000 xe mỗi năm tại Mỹ, tương đương 1% tổng doanh số bán ô tô hàng năm tại thị trường này.

Trong năm nay, VinFast đã tung ra mẫu xe thể thao điện đa dụng e34, giá niêm yết 690 triệu đồng, chạy tối đa khoảng 300 km cho mỗi lần sạc đầy. Sự kiện này đã dấu mốc lần đầu có một mẫu xe điện được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước – điểm mà VinFast hy vọng sẽ thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Nikkei Asia nhận định, sau những gì mà VinFast đã làm kể từ khi tiến vào thị trường, thì đây là sự kiện được đánh giá tương đối “bất ngờ” trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong tương lai, VinFast hướng tới việc tự sản xuất pin để giảm chi phí.

Theo đó, tập đoàn có kế hoạch đầu tư gần 400 triệu USD vào một nhà máy pin mới ở tỉnh Hà Tĩnh. Cơ sở dự kiến khai trương vào tháng 9/2022, sẽ bắt đầu hoạt động với công suất hàng năm là 3 GWh trong giai đoạn đầu, sau đó tăng lên 5 GWh vào năm 2025.

Cơ sở này sẽ sản xuất pin lithium iron phosphate, không sử dụng một số vật liệu đắt tiền, chẳng hạn như coban, thứ được tìm thấy trong pin lithium-ion tiêu chuẩn. Dự kiến Vingroup sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác Gotion High-Tech, một nhà sản xuất pin lớn của Trung Quốc.

Thực tế, Vingroup vẫn là một cái tên mới trong ngành công nghiệp ô tô. VinFast chỉ mới bắt đầu sản xuất các loại xe bằng xăng từ tháng 6/2019. Bởi vậy, khả năng sinh lời vẫn là một thách thức. Năm ngoái, công ty đã bán được khoảng 30.000 xe – đủ để chiếm khoảng 10% thị phần Việt Nam, nhưng vẫn kém xa với con số 250.000 xe có thể đạt được mỗi năm.

Mảng sản xuất tập trung vào ô tô của Vingroup ghi nhận khoản lỗ trước thuế 11,3 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó. CTCP Chứng khoán Bản Việt ước tính VinFast sẽ hòa vốn cả về lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định hữu hình và khấu hao tài sản cố định vô hình vào năm 2026.

Ngoài ô tô, tập đoàn này cũng tập trung nguồn lực vào bất động sản. Cùng với đó, Vingroup đang dần thu hẹp những hoạt động khác. Cuối năm 2019, Vingorup đã công bố kế hoạch cắt bỏ hoạt động bán lẻ, cũng như rời khỏi thị trường sản xuất điện thoại thông minh hồi tháng 5.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng từng khẳng định, việc kiên trì theo đuổi tham vọng ngành ô tô của tập đoàn “không phải vì công ty, mà là vì đất nước”.

Nhờ việc tham gia vào thị trường xe điện từ sớm, Vingroup đặt mục tiêu tạo dựng chỗ đứng nhất định trên thị trường. Hiện, VinFast đang hướng đến thị trường châu Âu và Mỹ, theo sau các công ty Trung Quốc như SAIC Motor và XPeng Motors – những đơn vị đã mở rộng sang châu Âu trước đó.

Hơn nữa, việc củng cố thương hiệu sẽ là yếu tố quan trọng để xâm nhập vào thị trường Mỹ và châu Âu. Hiện đang có khoảng hơn 2 triệu người Việt sinh sống tại Mỹ, song tên tuổi của Vingroup tại đây vẫn chưa được biết đến nhiều.

Vingroup cũng đang xem xét niêm yết VinFast tại Mỹ nhằm thúc đẩy thương hiệu. Tập đoàn đang cân nhắc các cơ hội gây quỹ, và rất có thể VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết tại nền kinh tế số một thế giới.

Một chuyên gia phân tích tại Aizawa Securities (trụ sở Tokyo) cho hay: “Nếu IPO thành công, Vingroup vừa có thể huy động vốn, vừa có thể được công nhận tên tuổi”.

Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường sang các nước phương Tây cũng đồng nghĩa phải cạnh tranh với nhà sản xuất xe điện hàng đầu Tesla, cũng như các nhà sản xuất ô tô tên tuổi như Volkswagen. Chuyên gia phân tích tại Aizawa Securities kết luận: “Vingroup cần có những động thái mạnh mẽ hơn, bất chấp việc điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận”.

Theo CafeF

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…