AI thay đổi ngành tài chính ra sao
Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người để đánh giá rủi ro, phát hiện gian lận, đưa ra các quyết định đầu tư… ở mức độ chính xác và tinh vi.
Trí tuệ nhân tạo đem lại nhiều thành tựu nhờ khai thác các khía cạnh giống bộ não con người nhưng ở quy mô vượt xa với nguồn dữ liệu thông tin gần như vô tận. Cách mạng “số hóa” tạo nên cuộc chạy đua ứng dụng AI trong mọi ngành, lĩnh vực, tài chính không là ngoại lệ.
Đánh giá rủi ro
AI có khả năng học hỏi từ dữ liệu trong quá khứ, điều này phát huy tác dụng trong xử lý sổ sách kế toán và hồ sơ – tác vụ căn bản của các dịch vụ tài chính. Một ứng dụng phổ biến là với điểm tín dụng – căn cứ đánh giá khách hàng nào có đủ điều kiện để làm thẻ tín dụng. Việc phân loại khách hàng thành nhóm “đủ” và “không đủ” điều kiện không dễ thực hiện.
Để đánh giá hàng nghìn hồ sơ tài chính cá nhân, hệ thống AI có thể quét toàn bộ dữ liệu, đưa ra khuyến nghị về các khoản cho vay dựa trên thông tin lịch sử của khách hàng. Các dữ liệu này bao gồm thói quen trả nợ của từng cá nhân, số lượng khoản vay, số lượng thẻ tín dụng hiện tại…, từ đó tùy chỉnh lãi suất trên thẻ cho phù hợp.
Phát hiện gian lận
AI là công cụ đứng đầu để bảo mật và nhận diện gian lận. Dựa trên các tiêu chí về hành vi chi tiêu trong quá khứ, cách thức giao dịch, AI có thể nhận ra các hành vi có dấu hiệu đáng ngờ, chẳng hạn dùng thẻ từ một quốc gia khác chỉ vài giờ sau khi được sử dụng hoặc cố rút một khoản tiền một cách bất thường.
AI còn có khả năng phát hiện gian lận nhờ khả năng tự học. Nếu một giao dịch bị gán cờ cảnh báo, sau đó được con người sửa lỗi, hệ thống AI có thể học hỏi từ kinh nghiệm này, sau đó đưa ra quyết định thậm chí tinh vi hơn ở những lần giao dịch tiếp theo.
Dịch vụ tư vấn tài chính
Theo Pwc, những robot tư vấn ngày càng phát huy vai trò trong các tổ chức tài chính. Dịch vụ chatbot là một ví dụ, với các ứng dụng công nghệ học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cho phép doanh nghiệp có thể tự tạo chatbot phù hợp với nhu cầu, lĩnh vực kinh doanh. Các chatbot này có khả năng tạo các kịch bản trò chuyện khác nhau, đa dạng hội thoại với khách hàng, phục vụ 24/7.
Tại Việt Nam, FPT là một trong những đơn vị triển khai chatbot, trợ lý ảo FPT.AI phổ biến cho nhiều doanh nghiệp. Thiết lập trên một đơn vị tư vấn tài chính, trợ lý ảo này có thể dễ dàng lưu thông tin người gọi đưa ra trong cuộc hội thoại như đang bận, có ý định mua nhà…, từ đó tư vấn phù hợp cho khách trong cuộc gọi tiếp. Hệ thống này giúp giảm tải công việc cho nhân viên trực tổng đài và bộ phận chăm sóc khách hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí tối ưu.
Đặc biệt, trợ lý ảo FPT.AI có thể giao tiếp bằng 6 giọng nói tùy theo vùng miền, 3 ngôn ngữ, gồm tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật.
Trading
Các công ty đầu tư có thể dựa vào máy tính và dữ liệu để xác định các mô hình tương lai. Quyết định giao dịch và đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự đoán chính xác. Với lượng dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo có thể phân tích trong một thời gian ngắn dựa trên các mẫu dữ liệu trong quá khứ, dự đoán tính lặp lại trong tương lai.
Đặc biệt, nếu những sự kiện bất thường như khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất hiện trong bộ dữ liệu, hệ thống có thể được “dạy” để tìm ra các tác nhân này, đưa ra kế hoạch trong các dự báo tương lai.
AI cũng có thể đề xuất các danh mục đầu tư để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Một nhà đầu tư có có khẩu vị rủi ro cao có thể tin tưởng vào AI để quyết định thời điểm nào nên mua, nắm giữ và bán cổ phiếu.
Quản lý tài chính
Quản lý tài chính cá nhân là một trong những ứng dụng phát triển gần đây dựa trên AI. Nhiều công ty khởi nghiệp sử dụng AI để xây dựng các thuật toán cho ứng dụng, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định thông minh về tiền bạc khi chi tiêu.
Ý tưởng xây dựng rất đơn giản, dựa trên tự động tích lũy dữ liệu lịch sử và tạo biểu đồ chi tiêu, tiết kiệm thời gian so với việc tạo ra các bảng tính dài hoặc liệt kê trên giấy một cách thủ công. Khả năng quản lý tài chính này của AI có thể áp dụng cho các tổ chức đầu tư tài chính quy mô từ lớn đến nhỏ.
Phong Vân (tổng hợp) (Theo vnexpress.net).