Lựa chọn sinh tử khi dùng kháng sinh trong Covid-19
Bệnh nhân nhiễm nCoV viêm phổi có thể chết nếu không được điều trị kháng sinh, nhưng việc dùng thuốc này có thể dẫn đến kháng kháng sinh, hệ lụy lâu dài.
Công việc hằng ngày của tiến sĩ Priya Nori, phụ trách chương trình nghiên cứu kháng sinh của Trung tâm Y tế Montefiore, là đảm bảo việc sử dụng an toàn và theo dõi tình trạng kháng kháng sinh tại các bệnh viện trong khu Bronx, New York. Tuy nhiên trong đại dịch, cô cũng như rất nhiều các y bác sĩ phải làm việc hết sức có thể vì số bệnh nhân tăng gấp đôi.
Các loại thuốc kháng sinh không trực tiếp tấn công nCoV, nhưng tình trạng viêm đường hô hấp dẫn tới viêm phổi thứ phát do vi khuẩn gây ra. Vì vậy bệnh nhân vẫn phải điều trị kết hợp bằng kháng sinh.
Trong tình thế khẩn cấp, tiến sĩ Nori cho biết: “Chúng tôi thường không do dự việc sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân. Điều ấy có hại hay không? Ở thời điểm này thật sự rất khó nói”.
Cô cùng nhiều đồng nghiệp lo lắng số ca Covid-19 tăng cao có thể làm tăng số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh. Bộ Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu ít nhất 10 trung tâm y tế nghiên cứu về các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát do vi khuẩn hoặc nấm ở bệnh nhân Covid-19 và loại kháng sinh được sử dụng để điều trị.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu các cơ sở y tế báo cáo về việc sử dụng kháng sinh và tỷ lệ nhiễm trùng xảy ra. Tiến sĩ Nori và các đồng nghiệp nói việc tuân thủ gần như là không thể trong tình hình hiện tại.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng dịch bệnh góp phần làm chậm sự lây lan của vi khuẩn và hiện tượng kháng kháng sinh trong các bệnh viện. Nguyên nhân lớn gây ra lây nhiễm chéo là từ phẫu thuật. Hiện tại, các ca mổ bị hủy bỏ để dành chỗ cho bệnh nhân Covid-19. Đồng thời quy định mặc trang phục bảo hộ đã góp phần làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
Tuy nhiên theo bác sĩ Bo Shopsin, chuyên khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York, nhiều bệnh viện phải tái sử dụng đồ bảo hộ và chia sẻ mặt nạ thở giữa các bệnh nhân.
“Rõ ràng Covid-19 có dấu hiệu lây lan chéo trong bệnh viện. Nếu đây là sự thật thì các vi khuẩn kháng kháng sinh cũng có thể làm điều tương tự”, ông nhận định.
Quan trọng hơn, số lượng kháng sinh được sử dụng đang tăng lên nhanh chóng. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra gần như tất cả các ca nhiễm nghiêm trọng đều được điều trị kết hợp với kháng sinh. Các bác sĩ ở Mỹ và châu Âu cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ ghi nhận nhiều bệnh nhân chết do nhiễm trùng thứ cấp thay vì nCoV.
Một báo cáo đăng trên tạp chí Lancet chỉ ra trong 247 bệnh nhân Covid-19 nhập viện ở Vũ Hán, một nửa số ca tử vong có xảy ra nhiễm trùng thứ cấp. Những đợt bùng phát trước đây cũng ghi nhận con số tương tự: khoảng 150.000 người chết đợt dịch cúm H1N1 năm 2009 và phần lớn ca tử vong trong dịch cúm năm 1918 là do viêm phổi do vi khuẩn gây ra.
“Chúng ta có những quy định về việc khi nào thì sử dụng kháng sinh và khi nào thì không. Nhưng với hình hình hiện tại, áp dụng những quy định đó e là rất khó khăn”, theo bác sĩ chuyên khoa phổi Leopoldo Segal tại trung tâm y tế Langone.
Kết hợp giữa kháng sinh azithromycin và hydroxychloroquine, một loại thuốc sốt rét, đang là liệu pháp điều trị phổ biến cho các bệnh nhân Covid-19. Điều này dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung azithromycin trên toàn nước Mỹ.
Bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm Marisa Holubar, Đại học Stanford, cho biết còn quá sớm để kết luận Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới tỷ lệ kháng kháng sinh toàn cầu. Tuy nhiên tại một số vùng của nước Mỹ, 30 đến 40% chủng vi khuẩn phổ biến có thể kháng các loại kháng sinh như azithromycin. Việc tiếp tục sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả về lâu dài.
Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ đánh giá mức độ phổ biến của các loại kháng sinh sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 và tỷ lệ nhiễm trùng thứ phát cần tới kháng sinh. Kết quả có thể giúp các chuyên gia thống nhất thời gian và cách thức kê đơn. Đồng thời cũng cung cấp số liệu về hàng nghìn ca nhiễm, giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về tình trạng lây chéo trong bệnh viện và mối liên quan giữa nhiễm trùng do virus và vi khuẩn.
Theo Vnexpress.net