‘Làn sóng thứ hai’ Covid-19 chực chờ sau gỡ phong tỏa

Trong khi các nước lên kế hoạch nới lỏng biện pháp hạn chế, giới y tế và một số lãnh đạo quốc gia lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Người dân New York đeo khẩu trang khi ra đường để phòng chống dịch.

Lịch sử cho thấy dịch cúm năm 1918, khiến 50 triệu người chết, là ví dụ điển hình dịch bệnh tấn công theo từng đợt nối tiếp nhau, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Những bệnh dịch sau này, bao gồm cúm năm 1957 và 1968, cũng hình thành nhiều làn sóng. Dịch cúm A/H1N1 khởi phát tháng 4/2009, sau đó lây lan lần thứ hai ở Mỹ và vùng bắc bán cầu mùa thu năm đó.

Với mô hình nghiên cứu dịch tễ, các nhà khoa học luôn tìm cách trả lời các câu hỏi về nguyên nhân và cách thức ngăn chặn những làn sóng này. Mô hình cân nhắc các yếu tố từ hành vi công chúng cho đến chính sách về tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng.

Giới chuyên gia đang theo dõi sát sao diễn biến của Covid-19 trong khi chưa có vaccine và số lượng người mang miễn dịch chưa nhiều. Virus tái bùng phát ở Singapore sau thời gian được kiểm soát là hồi chuông cảnh báo cho toàn thế giới.       

Mặc dù Singapore đã thiết lập hệ thống theo dõi sát sao các trường hợp tiếp xúc gần, Covid-19 vẫn quay lại tại một khu ký túc đông đúc, kém vệ sinh dành cho các lao động nước ngoài. Với hơn 1.000 ca nhiễm mới được báo cáo ngày 21/4, Singapore là ví dụ điển hình cho việc bệnh có thể tái bùng phát tại những khu vực đông dân và kiểm dịch lỏng lẻo.  

Số trường hợp dương tính nCoV ở Đức cũng tăng nhẹ vào tuần trước, nước này đã bắt đầu nới lỏng lệnh hạn chế.       

Một nhóm ca nhiễm mới ở thành phố Cáp Nhĩ Tân gần biên giới với Nga cũng khiến nhà chức trách phải thực hiện phong tỏa, mặc dù Trung Quốc đã báo cáo số lượng lây lan trong cộng đồng gần như bằng không. Thực tế này khiến các quốc gia phải cân nhắc về thời điểm và cách thức gỡ bỏ lệnh phong tỏa để tránh tái bùng phát.

Ông Takeshi Kasai, giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, nhận định các biện pháp hong tỏa xã hội cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ông cho rằng quá trình nới lỏng quy định này cần được thực hiện một cách từ từ để tránh dịch bùng phát trở lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng cần cẩn trọng với các quyết định ở thời điểm này.

Quan điểm chung của các nhà khoa học là làn sóng thứ hai xảy ra do năng lực điều trị và cách ly không thể đáp ứng tình hình thực tế. Hiện tại, lo ngại xuất phát từ việc người dân trở nên tức giận với chính quyền, mà làn sóng biểu tình đòi mở cửa lại nền kinh tế ở Mỹ là ví dụ. 

Mối nguy chỉ suy giảm khi khả năng nhiễm virus của người dân hạ thấp dưới ngưỡng nhất định hoặc vaccine được phổ biến rộng rãi. Song các chuyên gia cho rằng chặng đường đến với một loại vaccine an toàn và hiệu quả còn rất xa và tốc độ lây nhiễm thực sự cũng chỉ là con số suy đoán. Thế giới vẫn đứng trước nguy cơ bùng phát Covid-19 lần hai hoặc thậm chí nhiều làn sóng khác.      

Trên Washington Post, Justin Lessler, phó giáo sư về dịch tễ tại Đại học Johns Hopkins hồi tháng 3 viết: “Dịch bệnh cũng như những đám cháy. Khi có sẵn nguồn nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát không kiểm soát. Khi nguồn nhiên liệu dần cạn kiệt, chúng sẽ cháy âm ỉ”.

“Các chuyên gia dịch tễ gọi đây là ‘nguồn lực lây nhiễm’, nhiên liệu thúc đẩy nó là độ nhạy cảm của cộng đồng đối với mầm bệnh. Mỗi đợt dịch lặp lại sẽ làm giảm độ nhạy cho dù người dân các nước có đạt được miễn dịch hoàn toàn hoặc chỉ một phần, đồng thời khiến ‘nguồn lực lây nhiễm’ suy yếu, giảm nguy cơ lây lan đối với những người không có miễn dịch”, ông bổ sung.  

Song hiện tại, khoa học chưa biết nguồn nhiên liệu còn lại của nCoV là bao nhiêu. Đây được coi là vấn đề nan giải trong bài toán dập dịch toàn cầu. 

Theo Vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *