NASA lắp kính thiên văn không gian lớn nhất lịch sử

TTO – Sau hơn 20 năm nghiên cứu và chế tạo, mới đây các nhà khoa học đã hoàn thiện phần cuối cùng của chiếc kính thiên văn không gian khổng lồ James Webb, được kỳ vọng sẽ là cầu nối cho con người tiếp cận nhiều góc khuất trong vũ trụ.

NASA lắp kính thiên văn không gian lớn nhất lịch sử - Ảnh 1.
James Webb sẽ tạo nên bước đột phá trong những sứ mệnh khám phá không gian sau này – Ảnh: NASA

Đây được xem là bước tiến lớn trong nền khoa học không gian thế giới khi James Webb hiện là kính thiên văn lớn nhất, mạnh nhất và có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ nhất từng được đưa vào vũ trụ.

“Những bộ phận cuối cùng của James Webb đã được lắp ghép thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là kết quả từ nỗ lực không ngừng của toàn thể nhóm nghiên cứu” – Bill Ochs, trưởng dự án, cho biết.

Với chiều dài 20,1m, chiều ngang 7,21m, kính James Webb lớn gấp 7 lần so với các thế hệ “tiền bối” như Hubble hay Spitzer. Trọng lượng của James Webb khoảng 6,5 tấn.

Theo NASA, James Webb được thiết kế đạt đến độ nhạy và độ phân giải chưa từng thấy, có khả năng thu thập từ bước sóng khả kiến cho tới hồng ngoại trung.

NASA lắp kính thiên văn không gian lớn nhất lịch sử - Ảnh 2.
So sánh kích thước của James Webb (phải) và kính thiên văn không gian Hubble trước đây (trái) – Ảnh: NASA

Nhiệm vụ của James Webb nặng nề hơn các đời kính thiên văn không gian trước đây, khi phải săn tìm những thiên thể tối, nhỏ và mờ nhạt vốn rất khó tìm thấy ở điều kiện thông thường.

Bên cạnh đó, NASA kỳ vọng James Webb cũng có thể ghi nhận những vật thể phát ra bước sóng lệch về bức xạ hồng ngoại, hoặc những vật thể bị các vụ nổ trong vũ trụ che khuất.

James Webb dự kiến được đưa lên quỹ đạo ở độ cao kỷ lục 1,5 triệu km. Dù có thể quan sát những vật thể xa hơn, tối hơn, các nhà khoa học cũng thừa nhận rằng việc bảo dưỡng, sửa chữa kính cũng sẽ khó khăn vì quá xa, chi phí tốn kém.

NASA lắp kính thiên văn không gian lớn nhất lịch sử - Ảnh 3.
James Webb dự kiến lên quỹ đạo vào năm 2021 – Ảnh: NASA

Dự án kính thiên văn không gian James Webb được khởi xướng từ năm 1996 với sự hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó giữ vai trò chủ chốt là NASA, ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu) và CSA (Cơ quan vũ trụ Canada).

Dự án nhiều lần bị trì hoãn do đội chi phí. Ban đầu các nhà khoa học ước tính số tiền đổ vào James Webb ở mức 1,6 tỉ USD nhưng đến năm 2011, con số thực tế mà chỉ riêng nước Mỹ bỏ vào dự án này đã lên đến 3 tỉ USD.

Thời gian đưa James Webb vào không gian cũng được dời đi dời lại nhiều lần. Ban đầu dự án ấn định thời điểm phóng là vào năm 2011, rồi gia hạn đến năm 2018, và mục tiêu giờ đây là năm 2021.

Thậm chí có lúc dự án tưởng chừng bế tắc. Vào năm 2011, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chấm dứt tiếp tục ngân sách cho James Webb, nhưng sau đó dự án được khởi động trở lại và sau cùng cũng được hoàn thiện.

Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm James Webb trong môi trường giả lập để điều chỉnh những sai sót nếu có trước khi đưa chính thức đưa vào không gian trong 2 năm tới.

Hoàng Thi/TTO

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *