Xuất khẩu xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử: Thay đổi để nắm bắt thời cơ
Xuất khẩu (XK) xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) không còn là câu chuyện xa lạ với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, đã có những doanh nghiệp (DN) kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực này.
Bắt đầu tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT từ cuối năm 2016, đến nay Công ty CP Kim Cương Xanh đã lọt vào top bán hàng tốt trên các sàn TMĐT trong nước và lọt vào danh sách 100 nhà XK trên Alibaba.com. Sau 3 tháng đầu tiên kinh doanh trên Alibaba.com, DN này đã có được đơn hàng trị giá 10.000 USD XK nông sản sang Thái Lan, Malaysia.
“Qua các sàn TMĐT, DN có thể tiếp cận được khách hàng mới tại các quốc gia và vùng lãnh thổ rất khó tiếp cận nếu đi qua kênh truyền thống như Pakistan, Iraq. Nhờ sớm chuyển đổi số, năm 2020, mảng bán hàng online không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thậm chí còn tăng doanh số. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, DN đã XK được hơn 1 tấn cà phê” – bà Đoàn Trần Thùy Linh – Giám đốc Công ty CP Kim Cương Xanh cho hay.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, chủ yếu gia công cho các đơn vị trong nước, chỉ sau 10 năm tham gia kinh doanh trên các sàn TMĐT, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú đã XK hàng hóa tới 10 thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Năm 2021, công ty kỳ vọng đạt doanh thu gấp đôi năm 2020, khoảng 20 tỷ đồng. Bà Hoàng Thị Hương – Trưởng phòng XK Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú – chia sẻ: “Lợi ích quan trọng nhất DN nhận được là xây dựng được tệp khách hàng trung thành, từ đó ổn định sản xuất và xây dựng thương hiệu cho DN”.
XK xuyên biên giới thông qua các sàn TMĐT đang là phương thức kinh doanh được kỳ vọng của DNNVV Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng online đang ngày một nở rộ. Thực tế, có nhiều DN đang mong muốn tham gia phương thức kinh doanh này, tuy nhiên còn ngần ngại vấn đề ngôn ngữ, cơ chế hoạt động của các sàn TMĐT, hạ tầng công nghệ thông tin và đội ngũ nhân lực.
Là người từng trải qua bước đầu bỡ ngỡ, bà Hoàng Thị Hương đưa ra khuyến cáo, DN cần chủ động, thay đổi để nắm bắt thời cơ; cần xây dựng đội ngũ nhân lực am hiểu về nghiệp vụ XK; tham gia đào tạo để nắm vững kiến thức về các sàn TMĐT; hiểu sâu và rõ ràng về công nghệ sản xuất, kiến thức về sản phẩm để tự tin đàm phán với khách hàng; phân tích dữ liệu thống kê trên các sàn TMĐT để xác định được thị trường mục tiêu; nghiên cứu các quy định pháp luật, thị hiếu tiêu dùng của thị trường. “Bán hàng B2B, dịch vụ chăm sóc khách hàng rất quan trọng. Do vậy, cần đưa ra phương án cụ thể trong chính sách sau bán hàng, để xây dựng tệp khách hàng trung thành” – bà Hương nhấn mạnh.
Theo bà Đoàn Phương Thúy – Quản lý vận hành Công ty Xuất nhập khẩu VIXEMCO, TMĐT là môi trường toàn cầu hóa, DN không chỉ cạnh tranh với các nhà bán hàng Việt Nam mà cạnh tranh với thị trường toàn cầu, với các nhà bán hàng quốc tế. Với tính cạnh tranh cao như vậy, DN bắt buộc phải cập nhật tính năng của sàn, nghiên cứu về sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường mục tiêu và nhu cầu, xu hướng của khách hàng hiện tại.
Thời gian gần đây, Chính phủ và các cơ quan ban, ngành tạo nhiều điều kiện cho DN kinh doanh, XK xuyên biên giới. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn nữa, nhiều DN đề xuất có thêm những chương trình, hội thảo đi theo các ngành hàng cụ thể để phù hợp với đa dạng các DN, nhất là DNNVV.
Theo Công Thương