Vỡ phòng tuyến vaccine, châu Âu hứng sóng Covid-19 thứ ba

Suốt ba tuần, một trung tâm hội nghị ở Rome hoạt động 12 giờ mỗi ngày để chạy đua tiêm chủng cho người Italy. Giờ đây, nó đã dừng hoạt động.

Dù vaccine được cung cấp không theo tiến độ, người Italy từng hy vọng nó có thể là phòng tuyến giúp họ đẩy lùi làn sóng Covid-19 thứ ba. Tuy nhiên, đến ngày 15/3, họ bắt đầu nhận ra họ đang thua trong cuộc đua, khi phần lớn đất nước phải tái phong tỏa vì ca nhiễm tăng mạnh. Sau đó, Italy cùng các nước châu Âu khác đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca, khi xuất hiện lo ngại nó có thể liên quan đến một số trường hợp đông máu và tử vong hiếm gặp.

Trung tâm hội nghị ở Rome từng tiêm 1.800 mũi mỗi ngày giờ chỉ được sử dụng để lưu trữ vaccine. Có những lo ngại rằng việc tạm dừng tiêm chủng trên khắp châu Âu sẽ khiến tình trạng lây lan càng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Cặp vợ chồng nắm tay nhau trong khu điều trị tích cực của bệnh viện San Filippo Neri ở Rome hồi đầu tuần. Ảnh: AP.

Người dân châu Âu ghen tị với Mỹ, Anh và các quốc gia khác đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong và tạo điều kiện cho cuộc sống bình thường trở lại. Ngày càng nhiều người tức giận cho rằng việc quản lý vaccine yếu kém của châu Âu đã tạo cơ hội cho làn sóng thứ ba ập tới. Nhiều chuyên gia y tế công cộng đánh giá việc ngừng tiêm vaccine AstraZeneca, dù chỉ tạm thời, là động thái có thể trở thành sai lầm lớn nhất.

“Cứ chậm trễ tiêm chủng một ngày thì lại có thêm nhiều ca nhập viện và tử vong”, Fabrizio Pregliasco, nhà virus học tại Đại học Milan, cho biết.

Ngay cả khi cơ quan quản lý châu Âu xác nhận có thể tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca và một báo cáo sẽ được công bố vào ngày 18/3, nhiều chuyên gia lo ngại rằng công chúng đã mất niềm tin vào vaccine.

Trong khi ca Covid-19 đã giảm ở Mỹ, ca nhiễm tại EU tăng 29% trong hai tuần qua. Biến thể nCoV dễ lây lan hơn từ Anh hiện chiếm hơn một nửa số trường hợp ở hầu hết các nước EU.

Italy ghi nhận 502 ca tử vong do Covid-19 hôm 16/3, mức cao nhất trong gần hai tháng. Hôm 17/3, Hungary ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao kỷ lục và Ba Lan phong tỏa toàn quốc cho đến đầu tháng 4. Thủ đô Athens của Hy Lạp vừa chuyển đổi một bệnh viện thành nơi dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 khi đối mặt với số ca nhập viện tăng đột biến.

Nhà virus học hàng đầu của Đức Christian Drosten cảnh báo trong tuần này rằng đến lễ Phục sinh, đất nước sẽ rơi vào tình trạng giống lễ Giáng sinh năm ngoái. Các biến thể khiến mọi thứ “khó khăn hơn rất nhiều”, ông nói.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà khoa học đã kinh ngạc khi lần lượt các quốc gia châu Âu thông báo dừng tiêm vaccine AstraZeneca, một mấu chốt trọng tâm trong kế hoạch tiêm chủng của EU.

Đan Mạch và Na Uy đã dừng chương trình vào tuần trước, nhưng thay đổi lớn diễn ra khi Đức ghi nhận 7 người tương đối trẻ bị đông máu sau khi tiêm vaccine. Viện y tế công cộng của Đức đã yêu cầu ngừng tiêm vaccine AstraZeneca trong khi tiến hành đánh giá thêm.

Các quốc gia khác chịu áp lực phải làm theo. Rất ít chính trị gia muốn bị đổ lỗi vì tiếp tục cho phép tiêm loại vaccine có thể nguy hiểm, trong khi những nước khác đang thận trọng hơn. “Có áp lực chính trị và hiệu ứng domino tại nhiều quốc gia”, Steven Van Gucht, từ viện y tế cộng đồng tại Bỉ, một trong số ít các quốc gia EU không đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca, nói.

“Nếu chúng ta tiếp tục cách tiếp cận này, chúng ta sẽ phải dừng chiến dịch tiêm chủng hết lần này đến lần khác” mỗi khi các trường hợp tử vong hoặc biến chứng bất thường xuất hiện sau khi tiêm. “Đó là một con dốc nguy hiểm”.

Thừa nhận rằng ngay cả việc tạm dừng tiêm chủng trong ngắn hạn cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến dư luận, Thủ tướng Pháp Jean Castex tuyên bố ông sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine AstraZeneca sau khi lệnh đình chỉ được dỡ bỏ, nếu cơ quan quản lý xác định nó an toàn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho biết ông sẽ sớm tiêm vaccine, trong bối cảnh nhiều người Anh đã hủy các cuộc hẹn tiêm vaccine trong tuần này.

Việc đình chỉ vaccine “làm tổn hại rất nhiều đến niềm tin vào tiêm chủng”, Antoni Trilla, hiệu trưởng trường y tại Đại học Barcelona, nơi còn tồn 900 liều vaccine AstraZeneca trong tủ đông, cho biết. “Mọi người sẽ nói: ‘tôi không muốn trở thành người gặp phản ứng lạ mà báo đài đưa tin, tôi muốn tiêm loại khác”. Ngoài AstraZeneca, Anh còn triển khai tiêm vaccine Pfizer.

Trilla cho rằng ngay cả khi vaccine làm tăng nguy cơ đông máu, đó có thể là rủi ro chấp nhận được. “Sau khi làm việc với các đồng nghiệp trong suốt một năm để chăm sóc các bệnh nhân Covid-19, chứng kiến những người trong khu điều trị tích cực và chứng kiến mức độ nghiêm trọng của virus này, tôi sẽ chấp nhận rủi ro nhiều nhất có thể”, Trilla nói.

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine AstraZeneca ở Bỉ ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine AstraZeneca ở Bỉ ngày 17/3. Ảnh: Reuters.

Anh, quốc gia đã tiêm hàng triệu liều AstraZeneca, cho biết họ không ghi nhận các trường hợp bị đông máu như Đức. Nhiều nhà khoa học cho rằng các trường hợp đông máu có thể không liên quan đến vaccine, mặc dù họ nói rằng bất kỳ thông tin về phản ứng bất thường nào đều đáng được xem xét kỹ lưỡng.

“Nhiều người, bao gồm cả tôi, không nghĩ vaccine thật sự gây ra tác dụng phụ đó”, Paul Hunter, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia, cho biết. “Đây rất có thể là trùng hợp ngẫu nhiên chứ không phải mối quan hệ nhân quả”.

Việc châu Âu dừng tiêm vaccine tiếp tục làm chậm chiến dịch tiêm chủng vốn đã bị trì hoãn. Chưa đến một nửa số người Italy trên 80 tuổi, nhóm gặp rủi ro cao nhất khi nhiễm nCoV, đã được tiêm vaccine. Cứ 28 người thì mới có một người đã tiêm đầy đủ hai mũi. Điều đó có nghĩa là các bệnh viện vẫn có nguy cơ bị quá tải bởi các biến thể dễ lây lan hơn và có vẻ nguy hiểm hơn trước.

Trong khi đó, cứ 9 người Mỹ thì một người được tiêm phòng đầy đủ. Cứ 5 người thì một người đã tiêm liều đầu tiên. Viễn cảnh về một mùa hè bình thường hơn đang ngày càng gần. Anh thậm chí còn tiến nhanh hơn: khoảng 37% công dân đã tiêm liều đầu tiên, gần một nửa trong số đó là AstraZeneca.

Người EU ngày càng thất vọng khi họ thấy các nước giàu khác đang vượt lên phía trước. Tình cảnh của châu Âu càng đáng chú ý hơn vì khu vực này là nơi đặt trụ sở của một loạt công ty dược phẩm mà năng lực sản xuất lẽ ra có thể được nâng cao vào năm ngoái nếu có đầu tư công lớn, giống Chiến dịch Thần tốc của Mỹ. Thay vào đó, châu Âu hành động chậm chạp và tập trung tìm mua vaccine càng rẻ càng tốt.

Chiến lược này đảm bảo rằng họ không cạnh tranh với nhau, nhưng nó cũng có nghĩa là các quyết định về vaccine của một quốc gia giàu có như Đức bị cản trở bởi những lo ngại về kinh tế của nước nghèo hơn như Bulgaria.

Guntram Wolff, giám đốc Bruegel, tổ chức tư vấn chính sách kinh tế có trụ sở tại Brussels, nhận xét: “Cách tiếp cận ‘keo kiệt’ đó hoàn toàn sai lầm. Vaccine dù có giá 10, 20, 30 hay 50 EUR thì vẫn không là gì so với thiệt hại kinh tế của người dân do lệnh phong tỏa. Sự khác biệt là rất lớn”.

Đã có những dấu hiệu báo hiệu cho châu Âu về làn sóng thứ ba từ tháng 12/2020, khi Anh, Mỹ và Israel bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Các nước châu Âu cũng bắt đầu tiêm chủng vào cùng thời điểm, nhưng nguồn cung vaccine của EU thấp hơn nhiều nên họ nhanh chóng tụt lại phía sau.

Các biến chủng nCoV sau đó bắt đầu lây lan, khiến các biện pháp phòng dịch trở nên kém hiệu quả. Rồi AstraZeneca thông báo rằng họ sẽ cung cấp ít hơn một nửa số liều mà họ đã cam kết trong những tháng đầu năm.

Các nghiên cứu lâm sàng của AstraZeneca cũng thiếu dữ liệu về hiệu quả của vaccine đối với người lớn tuổi, vì không nhiều người trong số nhóm này đăng ký thử nghiệm. Rất nhiều quốc gia EU ban đầu chỉ cho nhóm trẻ tuổi sử dụng, mặc dù cơ quan quản lý của EU tuyên bố vaccine phù hợp với mọi lứa tuổi.

Bệnh viện Đại học Ancona ở vùng Marche của Italy đã phải chịu áp lực rất lớn trong hai tháng qua do biến chủng nCoV dễ lây lan hơn. Số người nhập viện cao kỷ lục kể từ tháng 4 năm ngoái.

“Cách khác duy nhất để ngăn chặn biến chủng là tiêm phòng. Vấn đề là, chúng ta không có đủ vaccine”, Stefano Menzo, giám đốc phòng thí nghiệm của bệnh viện, cho biết.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…