Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng của Nhật Bản

Đó là chia sẻ của ông Takeo Nakajima – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, tại Hội thảo – Giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam- Nhật Bản”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các đơn vị liên quan tổ chức ngày 22/9.

Hội thảo – Giao thương trực tuyến “Kết nối đầu tư Việt Nam- Nhật Bản” thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư Nhật Bản và đại diện khu công nghiệp của Việt Nam

Thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng trong khó khăn

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – cho hay: Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 với 4.690 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký 62,9 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thực hiện đăng ký vốn đầu tư đạt 3,2 tỷ USD.

Tình trạng xuất hiện các chùm ca bệnh trong các khu công nghiệp tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, dù vậy, Việt Nam vẫn được nhận định là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Riêng trong tháng 8/2021, Việt Nam thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI từ các quốc gia đăng ký, tăng 65% so với tháng 7/2021. “Vốn FDI đăng ký cao hơn, chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Mức tăng này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Nhấn mạnh, Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takeo Nakajima – phân tích: Về kinh tế vĩ mô, năm 2020 Việt Nam tăng trưởng dương. Năm 2021 dù có khó khăn hơn nhưng nền kinh tế đang dần hồi phục. Theo đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội, do tác động của dịch Covid-19, việc đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam những tháng gần đây có nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, làn sóng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn và không chỉ ở Việt Nam mà ở cả khu vực Đông Nam Á. Dù xu hướng đầu tư vào các ngành của Việt Nam có chậm lại, tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký online, thị sát từ xa để đăng ký đầu tư.

Chia sẻ về sức hấp dẫn của thị trường mua bán và sát nhập (M&A) của Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản – thông tin: Giai đoạn 2019 – 2020 ghi nhận nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng và dược phẩm – y tế. Một số thương vụ M&A đáng chú ý có thể kể đến như Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…

Các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 4,5 – 5 tỷ USD, hồi phục trở lại tương đương mức bình quân giai đoạn 2014-2017. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A, trong khi các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được đánh giá có tiềm năng hứa hẹn trong một vài năm tới. Về đối tác, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore được dự đoán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế…

Tạo tối đa thuận lợi cho nhà đầu tư

Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam khá mở và chỉ hạn chế trong 1 số lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút vốn FDI, trong đó có 3 nhóm chính, gồm: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp được miễn giảm tối đa trong vòng 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo); miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, vật liệu để sản xuất; miễn, giảm tiền thuê đất (việc miễn cho cả thời gian thuê và miễn có thời hạn tuỳ theo từng lĩnh vực, địa bàn thực hiện dự án).

Đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương của Việt Nam cũng đang nỗ lực tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư FDI nói chung. Đối với thành phố Đà Nẵng, Nhật Bản hiện là quốc gia có tổng số vốn đầu tư lớn nhất với hơn 985 triệu USD và 216 dự án, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, bất động sản – du lịch, công nghệ thông tin, dịch vụ, nghiên cứu và phát triển. Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 572 triệu USD, chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng.

Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng của nhà đầu tư Nhật Bản

Theo bà Huỳnh Liên Phương – Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, Đà Nẵng xác định Nhật Bản là một trong những đối tác trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính và kỹ thuật cần tập trung thu hút đầu tư. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng.

TP. Hồ Chí Minh luôn xác định đầu tư FDI, trong đó có đầu tư từ Nhật Bản là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cần phải được khuyến khích phát triển lâu dài. Dù đang gồng mình chống dịch, thành phố vẫn tiến hành song song các giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất. Ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Thành phố sẽ kiên trì kiến nghị Chính phủ ban hành: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền; chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp, phù hợp với bối cảnh mới; xem xét, quyết định việc áp dụng cơ chế nhập cảnh đặc biệt đối với một số trường hợp đặc thù, cụ thể việc công nhận lẫn nhau “hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ ưu tiên thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực: Các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với quy mô lớn và hiện đại; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của thành phố; các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…