Vì sao Trung Quốc lo lắng mất ngành sản xuất

Đóng góp của lĩnh vực sản xuất trên GDP Trung Quốc đã giảm từ 32% năm 2010 xuống còn 26% năm 2020.

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 5 năm mới, đề cập đến các mục tiêu kinh tế chủ chốt. Năm nay, bản chi tiết của kế hoạch này có mục tiêu mới khiến nhiều người ngạc nhiên: Giữ tỷ lệ sản xuất trên GDP ở mức “cơ bản ổn định”.

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ với quốc gia được coi là cường quốc sản xuất của thế giới và thị phần xuất khẩu vẫn tăng trong đại dịch. Tuy nhiên, trên thực tế, lo ngại này không phải không có cơ sở. Vấn đề chỉ là liệu Bắc Kinh đã có công cụ đúng đắn để giải quyết thách thức này hay chưa.

Phần lớn quốc gia bị giảm tỷ lệ sản xuất trên GDP khi tiến lên nấc thang thu nhập mới. Công dân những nước giàu hơn có nhiều tiền hơn để chi cho các dịch vụ như y tế hay giải trí. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này giảm từ 32% năm 2010 xuống còn 26% năm 2020.

Tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất vào GDP Trung Quốc, Mỹ, Đức và Hàn Quốc. Biểu đồ: WSJ

Con số này vẫn còn rất lớn so với các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, điều đáng ngại là bối cảnh diễn ra xu hướng này. Tại hầu hết nền kinh tế, sản xuất thường có năng suất cao hơn dịch vụ. Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc, do phần lớn ngành sản xuất tại Trung Quốc gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, ngành dịch vụ vẫn được bảo hộ mạnh.

Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc vẫn đang đóng cửa với các nền kinh tế lớn, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2020, riêng với lĩnh vực dịch vụ số, Trung Quốc đứng thứ 2 từ dưới lên trong 50 nền kinh tế được liệt kê.

Miêu Vu, cựu bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, nhận định trong bài phát biểu tại hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC) hôm 7/3 rằng: “Các năng lực cơ bản vẫn còn yếu, những công nghệ cốt lõi lại nằm trong tay người ngoài, nguy cơ bị ‘đánh vào yết hầu’ và ‘tuột xích’ đã tăng đáng kể”. Ông cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều của các ngành công nghiệp Trung Quốc vào những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như chất bán dẫn đã tạo ra điểm yếu cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này.

Giới chức Trung Quốc đang ngày càng nhận ra rằng thiếu cạnh tranh là vấn đề lớn. Gần đây, họ đã có biện pháp mạnh với các đại gia Internet như Tencent hay Alibaba. Điều cần làm rõ ở đây là liệu các động thái này có thực sự cải thiện năng suất, hay chỉ củng cố vị thế của các công ty quốc doanh, ví dụ như các ngân hàng lớn, trước sự xuất hiện của những tên tuổi mới như hãng thanh toán Ant Group của Alibaba.

Chiến lược của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy sản xuất là sử dụng các chính sách kết hợp. Các hiệp định đầu tư và thương mại mới với châu Âu, châu Á cùng mục tiêu tăng chi cho nghiên cứu cơ bản có thể hỗ trợ điều này. Những nỗ lực mở cửa ngành ôtô cũng đã cho kết quả.

Tuy nhiên, Bắc kinh lại đang xa lánh các đối tác thương mại lớn ngay trong thời điểm lực lượng lao động nước này đã đạt đỉnh. Thị trường lao động tại đô thị Trung Quốc đã co lại mạnh trong vài năm qua.

Bắc Kinh dường như đang ngày càng gắn bó với chiến lược thay thế hàng nhập khẩu trong các lĩnh vực bán dẫn, hàng không và các ngành công nghệ cao khác. Việc này có thể tạo ra một số công ty có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, dù không như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, Trung Quốc giờ phải đối mặt với thách thức từ Mỹ khi muốn leo lên trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, chiến lược này cũng có thể chỉ sản sinh ra những công ty tập trung vào thị trường nội địa.

Khi Trung Quốc hồi phục từ cú sốc đại dịch đầu năm ngoái, các nhà máy của nước này dường như sẽ vẫn được giữ được sức mạnh xuyên suốt năm nay. Tuy nhiên, để duy trì được lợi thế cạnh tranh, Bắc Kinh vẫn cần đưa ra nhiều quyết định khó khăn, như giải phóng lực lượng lao động để họ dễ dàng tìm được công việc tốt nhất và cải thiện quan hệ với quốc gia khách hàng lớn.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…