Trung Quốc lo khan hiếm lao động tay nghề cao
Tình trạng thiếu lao động tay nghề cao sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi Bắc Kinh tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ cao
Sau khi công bố kế hoạch việc làm 5 năm đến năm 2025, Gao Gao, Phó tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết sự không phù hợp giữa kỹ năng và công việc sẽ trở thành vấn đề chính trên thị trường lao động nước này. Theo ông, dù tăng lên chiếm 30% lực lượng lao động, tỷ lệ công nhân lành nghề vẫn còn thấp so với các cường quốc sản xuất khác.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với mâu thuẫn là thiếu lao động có tay nghề cao, nhưng tình trạng thất nghiệp lại ngày càng cao ở thanh niên. Các doanh nghiệp ở các vùng duyên hải phía đông của nước gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 16-24 tuổi tại khu vực này cao hơn 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (5,1%).
Trong một kế hoạch chi tiết được công bố cuối tuần trước, Quốc vụ viện Trung Quốc đã cam kết thúc đẩy trình độ kỹ năng trong nền kinh tế, đặc biệt là thông qua giáo dục nghề nghiệp. Số năm học trung bình của nhóm tuổi lao động tăng từ 10,8 lên 11,3. Động thái này báo hiệu nỗ lực của Trung Quốc trong việc nâng cấp lĩnh vực sản xuất và phát triển chuỗi giá trị. Theo kế hoạch, Trung Quốc đặt mục tiêu thêm 55 triệu việc làm ở thành thị vào năm 2025 và giới hạn tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,5%.
“Tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực sản xuất là lo ngại, nhất là khi nhu cầu về nhân sự có tay nghề cao và công nhân trong lĩnh vực sản xuất già đi”, Gao nói. Ông cho biết Trung Quốc cần đẩy nhanh việc đào tạo nhân tài cần thiết trong các lĩnh vực quan trọng và cố gắng đáp ứng nhu cầu lao động trong lĩnh vực sản xuất.
Bắc Kinh đã cam kết đưa việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kinh tế của mình. Đây là một mục tiêu được coi trọng hơn gần đây khi các nhà chức trách nỗ lực lớn hơn để giảm bất bình đẳng nhằm đạt được “sự thịnh vượng chung”.
Huy Anh