Trừng phạt Carrie Lam, Mỹ leo thang với Trung Quốc

Động thái Mỹ trừng phạt các quan chức cấp cao Hong Kong, kể cả Trưởng đặc khu, được cho là bước leo thang nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ – Trung.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 7/8 thông báo áp lệnh trừng phạt nhằm vào 11 cá nhân “làm suy yếu tính tự trị và cấm quyền tự do bày tỏ ý kiến hoặc hội họp của người dân Hong Kong”. Trong số các quan chức đặc khu hành chính Hong Kong bị trừng phạt có cả Trưởng đặc khu Carrie Lam.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong một cuộc họp báo hồi tháng 10 năm ngoái.

Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản và lợi ích liên quan tại Mỹ của các quan chức có tên trong danh sách hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên, bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm phản ứng với việc Trung Quốc áp luật an ninh Hong Kong, qua đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương.

Giới phân tích đánh giá việc Mỹ tung ra lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức cấp cao nhất của Hong Kong là một động thái leo thang, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng căng thẳng vốn đã rất nóng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

Trưởng đặc khu Lam từng lên tiếng bảo vệ luật an ninh Hong Kong, khẳng định nó là “bước đi quan trọng nhằm chấm dứt hỗn loạn và bạo lực đã diễn ra tại đặc khu suốt vài tháng qua”.

“Luật được đưa ra để giữ an toàn cho Hong Kong”, bà nói hồi tháng 7. “Nó hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến và hợp lý”.

Bộ Tài chính Mỹ trong khi đó đổ lỗi cho bà là người “chịu trách nhiệm trực tiếp áp đặt các chính sách đàn áp tiến trình tự do và dân chủ của Bắc Kinh”.

“Hành động hôm nay truyền thông điệp rõ ràng rằng hành động của chính quyền đặc khu Hong Kong là không thể chấp nhận được và trái với những gì Trung Quốc cam kết trong khuôn khổ ‘một quốc gia, hai chế độ’ và Tuyên bố chung Trung – Anh”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày tuyên bố.

Theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” được thống nhất trong Tuyên bố chung Trung – Anh, Hong Kong vẫn được phép duy trì một số quyền tự chủ nhất định, dù nằm dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Pompeo, cho rằng luật an ninh Hong Kong đã phá vỡ tiền đề này và đặc khu giờ đây không còn được hưởng quyền tự chủ từ Trung Quốc đại lục.

Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định việc Mỹ trừng phạt cả trưởng đặc khu Lam là một động thái “đáng chú ý”.

“Nó sẽ tạo ra hiệu ứng gợn sóng khắp Hong Kong, ảnh hưởng tới cả vai trò là một trung tâm tài chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương của đặc khu”, ông nói.

Theo Blanchette, Hong Kong “đã trở thành một thị trường bấp bênh” sau khi luật an ninh được công bố và giờ đây việc Mỹ đưa trưởng đặc khu Lam vào danh sách trừng phạt sẽ “không khỏi khiến các doanh nghiệp tại đây ớn lạnh”.

Julia Friedlander, phó giám đốc Chương trình Kinh doanh và Kinh tế Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cũng gọi hành động trừng phạt bà Lam là “một sự leo thang đáng kể”.

Kết hợp với những biện pháp gần đây mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chống lại Trung Quốc, Friedlander cho hay căng thẳng Mỹ – Trung chỉ đang gia tăng mà “chưa thấy điểm dừng”.

Sau khi luật an ninh Hong Kong được thông qua, Trump thông báo Mỹ sẽ tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong. Hồi giữa tháng 7, ông ban hành “Sắc lệnh về Bình thường hóa Hong Kong”. Lệnh trừng phạt nhằm vào 11 quan chức Hong Kong được đưa ra trên cơ sở sắc lệnh này.

Hôm 6/8, Trump ra sắc lệnh hành pháp yêu cầu cấm ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ sau 45 ngày nữa nếu chúng không được bán lại cho các công ty Mỹ.

“Bắc Kinh đang hứng chịu hàng loạt biện pháp mạnh tay từ Mỹ mà họ phải thực sự tập trung đối phó”, Blanchette chia sẻ. “Họ cố gắng đáp lại nhưng họ cũng đang để mắt tới những diễn biến từ cuộc bầu cử tháng 11. Họ đang điều chỉnh các phản ứng của mình trước những hành động từ phía Mỹ để vừa thể hiện thái độ không nhượng bộ nhưng vừa không gây hại cho nỗ lực tái thiết lập mối quan hệ nếu chính quyền ở Mỹ thay đổi”.

Theo Vnexpress

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *