Tồn kho hàng chục tỷ đồng vì chưa chuyển đổi số

Các rào cản chính của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bên trái là tỷ lệ đồng thuận với nhận định. Nguồn: VCCI, Jetro.

Sức cạnh tranh yếu vì chưa chuyển đổi số khiến nhiều doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh hoặc tồn kho hàng chục tỷ đồng.

“Có doanh nghiệp nhỏ tôi đi tư vấn mà hàng tồn kho đã 5 năm, giá trị đâu đó 30 tỷ đồng”, TS. Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn kinh tế và Kinh doanh, Đại Học Kinh tế Quốc dân nói tại hội thảo “Phát triển năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp” diễn ra tại TP HCM hôm 31/3.

Trong lần tư vấn khác cho một công ty sản xuất thiết bị gia dụng nội địa có tiếng cách đây hai năm, ông Tuấn Anh cho biết lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên đến 60 tỷ, cũng một phần vì chưa nắm bắt được thị trường.

Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Tái cấu trúc doanh nghiệp và Chuyển đổi số doanh nghiệp (DR. SME) kể lại câu chuyện cách đây khoảng chục năm, khi đi tư vấn chuyển đổi số cho hai doanh nghiệp lớn trong ngành taxi truyền thống.

“Tôi nói với họ về sự có mặt của mô hình taxi công nghệ ở nước ngoài nhưng vị thế các doanh nghiệp lúc đó đang lớn nên họ không có nhu cầu thay đổi”, ông nói và cho rằng kết quả cạnh tranh của taxi truyền thống ngày nay với gọi xe công nghệ giờ ai cũng rõ.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số với doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự là vấn đề cấp thiết hiện nay. TS. Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn kinh tế và Kinh doanh, Đại Học Kinh tế Quốc dân cho rằng, không ít doanh nghiệp đang dùng các công nghệ cũ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong khi nhân lực và tài lực hạn chế.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp này thiếu thông tin để ra quyết định. Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về nhà cung ứng, thị trường…, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh, không chủ động sản xuất và hàng tồn kho nhiều.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương Mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cho biết, năm 2021 được nhận định là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số của Việt Nam. Đây được coi là cơ hội để Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp với các nước phát triển.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI và Jetro với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020, có 5 rào cản lớn nhất để chuyển đổi số gồm: chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; sợ rò rỉ dữ liệu; thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số và thiếu thông tin về công nghệ số.

Riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết quả nghiên cứu và khảo sát của nhóm tư vấn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết điểm yếu của các doanh nghiệp là sự thiếu thốn nhiều mặt như: năng lực quản trị nội bộ; nhận thức liên quan đến quản lý rủi ro và an ninh mạng cũng như nhân lực, công nghệ, thông tin về thị trường giải pháp và khả năng tài chính.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này cũng có những điểm mạnh là nhận thức của các lãnh đạo có cải thiện, xu hướng tiếp thị, bán hàng trên kênh số phát triển; cơ cấu tổ chức linh hoạt nên dễ thích ứng, thay đổi.

Theo TS. Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn kinh tế và Kinh doanh, việc chuyển đổi số thành công cần 4 yếu tố: xây dựng văn hóa doanh nghiệp; tiếp cận các công nghệ mới nhất nhưng phù hợp năng lực; có tinh thần khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo; và có cam kết thực hiện.

Về lộ trình chuyển đổi số, ông Tô Đình Hiếu, CEO Dinox Consulting gợi ý doanh nghiệp nên đi theo 8 bước, gồm: nắm vững đột phá số; thấu hiểu bối cảnh kinh doanh, phát triển tầm nhìn, chiến lược số; xác định lộ trình chuyển đổi số; thành lập ban chuyển đổi số; thiết kế mô hình vận hành doanh nghiệp số; triển khai nền tảng doanh nghiệp số; và cuối cùng là vận hành doanh nghiệp số.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Phùng Lê Lâm Hải, Nhà sáng lập SAADO cho biết, trước khi bắt tay bước vào lộ trình chuyển đổi số, chính giai đoạn chuẩn bị trước đó vô cùng quan trọng. Trước khi trở thành thương hiệu giày dép đang bán lẻ tại 7 nước châu Á, SAADO từng mở 3 cửa hàng và kinh doanh sản phẩm trên nhiều kênh trực tiếp và trực tuyến khác nhau chỉ nhằm bán được hàng.

“Sau đó chúng tôi phải đóng 3 cửa hàng, giải tán đội phân phối, tốn mất 1,5 tỷ đồng. Khi đó, khách hàng còn không biết chúng tôi từng có cửa hàng. Nên kinh nghiệm đầu tiên là xác định được mô hình kinh doanh hiệu quả, ổn định rồi mới tính đến chuyện chuyển đổi số”, ông Hải nói.

SAADO bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ tháng 5/2019. Ông Hải cũng giữ quan điểm phải chuẩn bị kỹ nên đề cao giai đoạn mà ông gọi là “đánh giá tiền sẵn sàng”. “Qua nhiều lần sửa sai và rút ra quy trình, chúng tôi nhận ra rằng 80% thành công tập trung vào giai đoạn đánh giá tiền sẵn sàng, vốn chỉ tốn 20% thời gian trong suốt quá trình chuyển đổi số”, ông nói và cho biết họ đánh giá trên 5 điểm gồm: văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực con người, quy trình, dữ liệu hệ thống báo cáo, ứng dụng công nghệ thông tin hiện tại.

Đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt “Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025”. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ; và hỗ trợ chuyên sâu cho 100 doanh nghiệp chuyển đổi số thành công điển hình.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…