Thủ tướng nêu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế

“Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu sáng 12-10.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng – Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự động viên, tin tưởng của doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Từ đó mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp. Doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”.

Thời gian qua có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.

Các ý kiến tại cuộc gặp mặt sáng 12-10 nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10 thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay rất nhiều, chúng ta không lường hết được những diễn biến bất ngờ khi đại dịch xảy ra. “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng phát biểu.

Ông kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Đó là điều mong muốn nhất mà tất cả chúng ta hướng tới, cũng là chủ trương lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thực hiện nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như nghị quyết 68, nghị quyết 52, nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là nỗ lực lớn, nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu. Thủ tướng cho rằng cần cố gắng nhiều hơn nữa và mong cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục chia sẻ với Đảng, Nhà nước.

Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, “cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân”. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế các cấp. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn.

Tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.

“Đây là bài toán khó, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo, nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.

“Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những việc đã và đang làm, có nhiều việc làm tốt, có không ít việc chưa làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa. 

Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Tôi tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp chung, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, chung tay xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng như mục tiêu nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…