Thủ tướng gặp doanh nghiệp : Doanh nghiệp đang rất cần “cứu trợ” từ Chính phủ
Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng, hiện có đến 40 doanh nghiệp chỉ còn cầm cự được khoảng 1 tháng, do đó rất cần sự “cứu trợ” của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho biết, qua khảo sát nhanh đầu tháng 9/2021, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM nhận thấy có đến 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong 1 tháng.
Do đó, đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, ông Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp theo 3 trọng tâm lớn gồm.
Thứ nhất, trong công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, chính quyền địa phương sớm công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch và kịch bản điều hình kinh tế xã hội tương ứng với các tình huống để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp có đủ thông tin, đồng thuận cao và chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất kinh doanh được kịp thời, phù hợp.
Hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, người dân và người lao động tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin mũi 1 trên 96% và mũi 2 trên 30%. Do đó đề nghị ngành y tế xem xét không quy định bắt buộc các doanh nghiệp hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ và chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao trong doanh nghiệp, nhân sự mới để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp mong muốn chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng về việc quản lý và khai thác liên thông các dữ liệu về phòng chống dịch giữa các cơ quan và người dân được sử dụng chung chỉ một ứng dụng được thực hiện nhanh và sớm nhất, để các doanh nghiệp có cơ hội tra cứu, nắm bắt được thông tin liên quan đến nguồn nhân lực lao động của doanh nghiệp, thuận lợi trong bố trí sử dụng alo đông phù hợp với tiêu chí an toàn.
Thứ hai, về các chính sách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, nên triển khai theo hướng đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh, có đóng góp cao cho nền kinh tế thì cần tập trung các hỗ trợ để họ phục hồi nhanh nhằm nâng hiệu quả của nền kinh tế, trở thành đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi thì áp dụng chính sách để giảm số doanh nghiệp phá sản, chấm dứt sản xuất do tác động của dịch bệnh. Đối với nhóm doanh nghiệp không thể quay lại sản xuất nữa thì cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội để doanh nghiệp và người lao động ổn định cuộc sống, chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác.
Với việc khai thông nguồn lực của doanh nghiệp từ tháo gỡ các thủ tục hành chính, theo ông Dũng, hiện nay có rất nhiều dự án đã sẵn sàng về đất đai, vốn và kế hoạch kinh doanh khai thác, nhưng do vướng mắc các thủ tục hành chính, sự chồng chéo các quy định của pháp luật nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị Thủ tướng cần chỉ đạo tháo gỡ nhanh để các dự án được triển khai”. – ông Dũng nêu đề nghị.
Theo ông Dũng, đến nay, trải qua 4 đợt đại dịch, nguồn lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt, không còn để vốn để phục hồi sản xuất nhanh được. Do đó, ông Dũng đề nghị Thủ tướng có phải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vay vốn mới với lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản để doanh nghiệp có thể phục hồi lại được sản xuất.
Thứ ba, liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc thực thi các chính sách đã ban hành, theo ông Dũng, nếu thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ Theo quy định tại quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì doanh nghiệp không thể hoàn thành các thủ tục để được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để trà lương cho người lao động phải ngừng nghỉ việc. “Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm xem xét điều chỉnh để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội”. – ông Dũng đề nghị.
Ông Dũng cũng cho rằng, để cải thiện dòng tiền và thanh khoản của doanh nghiệp, ngoài các chính sách giãn, giảm, hoãn nộp thuế, Chính phủ cũng cần xem xét cho doanh nghiệp chính sách ân thuế có bảo lãnh ngân hàng đối với hàng hóa vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và hoàn thuế VAT nhanh trong vòng 1 tháng khi doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục hoàn thế để doanh nghiệp có thêm khoản tiền phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, sau khi trình bày một số kiến nghị, ông Chu Tiến Dũng thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đã hứa với Thủ tướng sẽ nỗ lực biến các khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực để đổi mới, tái cấu trúc hướng đến sự phát triển bền vững hơn khi được được Chính phủ tiếp sức.
Theo DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP