Thủ tướng gặp doanh nghiệp : Cần cụ thể chính sách cho từng nhóm đối tượng
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank đánh giá cao chiến lược của Chính phủ và các chính sách mới được ban hành trong thời gian vừa qua.
ụ thể, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, sáng 26/9, ông Vinh đánh giá, với chủ trương tập trung vào các ngành lớn, doanh nghiệp lớn, còn các biện pháp cho doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ cụ thể và kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể từng vùng miền và từng đối tượng.
Mặc dù vậy, hiện nay, “sức khoẻ” của các doanh nghiệp vẫn cho thấy sự suy giảm trầm trọng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cùng những người dân lao động tự do đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn do đợt dịch COVID-19 kéo dài.
Trên thực tế, theo khảo sát nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 đáng kể nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ chịu ảnh hưởng tiêu cực lên tới 87,7%. Doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu trung bình cao hơn so với những doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc cũng nhiều hơn cả, vào khoảng 40% lực lượng lao động.
Đáng quan ngại, trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, do làn sóng bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc VP Bank kiến nghị, trong thời gian tới, chính phủ cần tiếp tục đưa ra những chính sách cụ thể hơn cho các đối tượng này.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Sacombank từng đánh giá, ở góc độ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ chia 2 nhóm bao gồm nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng và nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, mà có thể nói hiện nay đang tê liệt và ngưng hoạt động.
Do vậy, cần sớm ra tay giúp đở để nhóm gặp khó khăn nhiều hơn này sớm phục hồi, nếu không họ sẽ phải rút lui khỏi thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải dịch vụ, nhà hàng, khách sạn hay các nhóm ngành giải trí như chiếu phim,…
Mặt khác, ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh rằng, khó khăn còn phía trước rất cần quản trị chặt. Bên cạnh đó, Chính phủ và các địa phương vẫn cần phải tăng cường hỗ trợ xét nghiệm cũng như tăng cường sự an toàn cho hệ thống.
Hiện chính phủ đã phân quyền cho các địa phương, tuy nhiên ông Vinh cho rằng, cần phải đảm bảo đồng bộ, cách hiểu, áp dụng trên từ trung ương đến địa phương.
Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ Y tế nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời để khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể, quyết định việc chuyển trạng thái, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phụ trách.