Thủ tướng: ‘Đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh 5 năm tới’

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây xanh đô thị.

Phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV diễn ra sáng 10/11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có nguyên nhân tình trạng lũ lụt ở miền Trung vừa qua.

Lãnh đạo Chính phủ nói lũ lụt, sạt lở đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, trong đó có nhiều trẻ nhỏ “chưa kịp học xong bài trên lớp”. Nhiều nguyên nhân được đưa ra như do biến đổi khí hậu, địa hình dốc đứng, tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ và công trình hạ tầng. “Điều này tạo ra nhiều tranh luận, song bất luận là vì nguyên nhân gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt”, ông nói.

Thủ tướng cho hay, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và “cần tiếp tục nhất quán quan điểm này”. Bên cạnh đó, dù độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng trở lại, trên 42% song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp nên cần phải “tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

“Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị”, Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan, chủ quan của thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng, hồ đập thủy điện nhỏ để có các biện pháp chấn chỉnh.

Thủ tướng phát biểu.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả, nâng cao chất lượng dự báo, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt và quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn; bộ máy phòng, chống thiên tai cũng sẽ được kiện toàn, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề thu hút nhân tài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí để làm cơ sở tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức.

“Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, người có tài nhất định phải được sử dụng, đề bạt.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Chính phủ, người tài không nhất thiết phải làm trong Nhà nước, họ có thể làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, hoặc trong các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước. Nhưng Thủ tướng cho rằng, Nhà nước sẽ phải tìm cách thu hút thêm nhiều người tài để tham gia vào quản trị đất nước.

Liên quan đến phòng chống Covid-19 và tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nói Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép và đến nay Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Theo ông, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn (6%), nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, những diễn biến chính trị trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, lãnh đạo Chính phủ nói, nhấn mạnh, phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Ông cho hay, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350.000 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn”, Thủ tướng cam kết.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói trong 2,5 ngày (ngày 6, 9 và sáng 10/11), 121 lượt đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi; 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

Bà Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn tại kỳ họp này “có thể coi là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của Quốc hội”. Căn cứ kết quả phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để dự thảo nghị quyết về các nội dung liên quan, trình Quốc hội thông qua cuối kỳ họp, làm cơ sở để Quốc hội khóa mới tiếp tục theo dõi, giám sát.

Hoàng Thùy – Minh Sơn (theo vn express.net).

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *