Tết xưa – Tết nay: Những cái Tết thiếu thốn và dè sẻn của ngày thơ

Bởi như một chuyện đương nhiên mỗi dịp Tết đến, những ai lớn nhất mới cần có quần áo mới, đám em út nhỏ hơn trong nhà sẽ phải thừa hưởng quần áo cũ của anh chị như một sự nối tiếp và tiết kiệm.

Niềm vui ngày Tết của trẻ em là được mặc đồ mới – Ảnh: D.PHAN

Ký ức về Tết của tôi chính là một nỗi nhớ về một cô bé nhỏ ngồi trên khung cửa sổ gỗ lồi lõm nhìn ra con đường đất đỏ thông thốc gió bụi. Gần Tết rồi, con đường bị nắng và gió và vô số những vết chân của đàn bò, của dòng người đi lại giẫm cho nhuyễn nhừ như bột mịn, chỉ cần một cơn gió, bụi sẽ tung đỏ mù.

Mẹ sẽ dắt anh và chị lớn đi may quần áo Tết

Bóng mẹ, chị gái và anh trai chỉ trong thoáng chốc đã chìm trong bụi đỏ ở góc quanh cuối con đường. Hai đứa em cũng bám vào cạnh bàn để trèo lên đứng bên cạnh tôi tự lúc nào, mắt ba chị em đều hoe hoe đỏ, tôi gạt mạnh mắt, gọi hai đứa xuống khỏi khung cửa để ra sau vườn chơi.

Hai đứa em vẫn cố bám vào khung cửa, nhón chân nhìn cao hơn về phía cuối con đường bụi, nói nhỏ nhí: “Chả thấy mẹ và anh chị đâu nữa”. “Ừ, xuống đi, ra sau nhà chơi với chị”. Nước mắt bỗng tuôn ra trên mắt hai đứa em, nhập nhòe, rồi trở thành tiếng khóc nức nở.

Tôi chả có khả năng dỗ em, tôi cũng đang muốn khóc, thế là ba chị em ngồi dồn lại mà khóc, qua cơn cả ba chị em lại tha thẩn kéo nhau ra sau giếng để múc nước rửa mặt. Mắt đứa nào cũng sưng mọng đỏ ửng, nhưng chỉ cần chơi đến lúc mẹ dắt anh chị về đến ngõ là mắt ba chị em sẽ trở lại như cũ, như chưa từng khóc.

Nhà có năm anh chị em sàn sàn tuổi nhau, mỗi đứa cách nhau một năm nên hiểu chuyện là điều cần thiết với mỗi đứa trẻ, biết vậy nhưng vẫn tủi thân. Cái cảm giác biết mẹ sẽ dắt anh và chị lớn đi may quần áo Tết vào mỗi dịp gần Tết vẫn khiến ba chị em nhỏ tủi thân, cái tủi thân vì ao ước chẳng biết đến bao giờ mới tới lúc chính mình được mẹ dắt đi may đồ mới.

Bởi như một chuyện đương nhiên mỗi dịp Tết đến, những ai lớn nhất mới cần có quần áo mới, đám em út nhỏ hơn trong nhà sẽ phải thừa hưởng quần áo cũ của anh chị như một sự nối tiếp và tiết kiệm.

Chẳng có mấy sự hào hứng để khoe quần áo Tết với chúng bạn, bởi anh chị cũng chẳng dám xúng xính khoe quần áo mới trong khi ba đứa em vẫn là đồ cũ. Mà xóm nhỏ nhà nào cũng vậy, cứ đứa nhỏ mặc đồ của đứa lớn, chỉ mong là bộ đồ chưa bị quá cũ hoặc bị gai cào hay bị mòn nhẵn cái mông đến nỗi phải may thêm miếng vá.

Vậy mà vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn thì thào như một điều bí mật mỗi khi nói chuyện với nhau. Con Loan, nhà chỉ có hai anh em thì tệ hơn một chút nó sẽ phải mặc lại quần áo của anh trai chứ mẹ nó chẳng may thêm đồ con gái cho nó.

Háo hức về bộ đồ mới ngày Tết

Bộ quần áo Tết luôn là một bộ quần xanh áo trắng, quần xanh xắn ống ba vòng, áo trắng xắn tay cũng phải hai lượt, đỉa quần luôn phải có sợi dây nịt để thắt lại cho vừa vì nhà nào cũng tuân theo quy luật may đồ muôn thuở là chừa hao cho lũ nhóc lớn kịp trong một năm đó.

Vậy mà Tết năm tôi tám tuổi, vẫn không được mẹ dắt đi nhà may nhưng ngày lấy đồ về, mẹ đã vẫy cả ba chị em đang thui thủi tắm xong cho nhau vào buồng để thử đồ.

Đồ mới của ba chị em gái là ba bộ đồ thun bằng vải màu tím như chiếc vỏ chăn mới của bà, để phân biệt thì có ba kiểu cổ áo khác nhau, hai anh em trai là hai bộ quần xanh áo trắng như thường, bộ đồ còn nguyên những vệt phấn và mùi đồ mới chứ không phải là bộ đồ cũ có mùi băng phiến và úa màu.

Đó là niềm vui không tả nổi với mấy chị em, đến nỗi tôi không nhịn được mà lén mẹ chạy sang nhà cái Loan để khoe đồ mới. Niềm vui của tôi đổi bằng giọt nước mắt của nhỏ, cái gọi là hiểu chuyện giờ mới bừng tỉnh.

Tôi sững người, chạy về trong áy náy, chừng ấy tuổi chúng tôi tự hiểu nỗi buồn của nhau, vậy mà cũng có ngày tôi lại chạm đến niềm đau của bạn.

Bởi cái Loan còn buồn hơn cả tôi khi những bộ đồ của nó mặc đều là kiểu đồ con trai, chưa kể vì là con trai nên anh nó không giữ gìn như chị gái tôi mặc mà thường sẽ bị dính mủ mít, mòn mất hai bên mông, nên bộ đồ Tết của nhỏ bao giờ cũng là bộ đồ cũ hơn và có thêm hai miếng vá chần bên mông.

Đến cả mấy ngày sau tôi vẫn không dám sang nhà Loan chơi, cái cảm giác tội lỗi vì đã gây ra nỗi buồn cho nhỏ khiến sự háo hức về bộ đồ mới ngày Tết biến mất.

Quần áo Tết của anh đâu rồi?

Tôi định sẽ không mặc đồ mới nữa mà lấy bộ đồ cũ của chị Hai mặc, nhưng mẹ vẫn kiên quyết mặc đồ mới cho cả năm chị em, bởi đó dường như cũng là niềm vui của mẹ khi có thể sắm sửa đầy đủ cho cả năm đứa con của mình.

Sáng mùng một Tết, mẹ hào hứng cột tóc cho ba chị em, tôi rụt rè định nói với mẹ là con chỉ mặc đồ một chút rồi thay ra mặc đồ cũ để đi chơi thôi thì thấy tiếng Loan lanh lảnh ngoài đường. “Này, nhìn xem, tao cũng có đồ mới rồi này”, nhỏ điệu đàng xoay người một vòng, đó là chiếc áo trắng cổ sen và một chiếc váy sọc carô đen đỏ.

Cả năm chị em tôi ngẩn người chạy ra cửa nhìn xem nhỏ trong chiếc váy mới xinh đẹp, chưa kịp khen đã nghe tiếng bố quát lớn phía sau: “Không được chạy qua nhà xông đất, dông cả năm bây giờ. Đi về nhà, tí nữa mấy đứa đi chơi sau”.

Tiếng quát của bố khiến bước chân vui vẻ của nhỏ đang định chạy ào qua sân cho chúng tôi nhìn rõ vội khựng lại, có lẽ niềm vui quá lớn đã khiến nhỏ quên mất điều cấm kỵ ngày Tết của người lớn vào ngày mùng một, nhưng nhìn thấy cả năm anh chị em tôi vẫy tay cười nhiệt tình, nhỏ vội cười đáp lại rồi chạy về.

Những cái Tết thiếu thốn và dè sẻn của ngày thơ đã qua đi lúc nào chẳng rõ, tôi cũng đã đi làm và mỗi Tết đều tự mình lãnh nhiệm vụ mua đồ Tết cho cả nhà như một cách nhắc mình nhớ về những ngày xưa.

Cái thói quen đó thay đổi khi tôi lấy chồng, cái Tết đầu tiên ở nhà chồng khiến tôi quên đi phần nào thói quen đó, đến khi nhận được điện thoại của anh trai. “Quần áo Tết của anh đâu rồi, sao anh tìm khắp các tủ không thấy? Em gấp để chỗ nào vậy?”.

Tiếng của anh có chiều sốt ruột, tôi ngơ ngác đáp: “Anh có vợ rồi mà, em tưởng chị dâu phải mua cho anh chứ?”. Chị dâu vẫn cứ cười khi nhắc lại, chị bảo chị đã dẫn anh đi mua đồ Tết, nhưng anh trai vẫn kiên quyết bảo không cần, năm nào tôi cũng chuẩn bị đồ Tết cho anh đầy đủ nên chị chỉ cần mua đồ cho chị là đủ rồi.

Xóm nhỏ của tôi đã hết nhỏ, những ngôi nhà san sát xen vào nhưng những con người cũ vẫn vậy. Vẫn hẹn một ngày để cùng họp mặt ôn lại chuyện cũ, những đứa trẻ thiếu thốn và hiểu chuyện ngày cũ cũng đã lớn, chẳng ai không hoài niệm mà không nhắc lại những vui buồn tuổi thơ.

Đến khi nghe chuyện Tết đấy anh trai tôi không có đồ mới vì vẫn đợi tôi chuẩn bị, cả đám cười lăn lộn, rồi vẫn rưng rưng thêm một chút: “Ngày đó bọn mình tội thiệt, nhưng cũng vui thiệt, có chút bánh kẹo hay bộ đồ mới là vui vẻ biết bao nhiêu”.

Dường như có những điều cỏn con như vậy khiến chúng tôi trưởng thành và yêu thương nhau hơn, thế nên tôi vẫn tiếp tục duy trì thói quen mua đồ dịp Tết cho cả nhà sau một năm bỏ lỡ bởi có những nỗi niềm không cần nói thành lời…

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…