Ô nhiễm tiếng ồn gây bệnh tim mạch, đột quỵ

Tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài không chỉ khiến con người suy nhược tinh thần, mà còn gây ra các bệnh liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, rối loạn tim mạch, thậm chí đột quỵ.

Giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm tiếng ồn.

Gây ra các bệnh về tim mạch

Cách đây khoảng 100 năm, ông Robert Koch, bác sĩ người Đức đạt giải Nobel, từng dự đoán một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải chống chọi với tiếng ồn như một căn bệnh gây suy nhược thể chất, tinh thần.

Như bác sĩ Koch dự đoán, với sự phát triển của xã hội, những tiếng ồn đang tạo nên tổn thương cho cơ thể và tâm trí con người.

Ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu xuất phát từ lĩnh vực giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp. Chúng gây rối loạn giấc ngủ, tạo ra cảm xúc tức giận, tình trạng ù tai, bệnh mạch vành do hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể.

Năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận, việc tiếp xúc với tiếng ồn giao thông như tiếng máy bay, xe cộ, tàu hỏa, khiến người dân Tây Âu mất đi 1,6 triệu năm sức khỏe.

Năm 1950, ông Karl Kryter, khi đó là Giám đốc Phòng thí nghiệm Ứng dụng hoạt động tại Bộ Tư lệnh Nghiên cứu và Phát triển Hàng không của Lực lượng Không quân ở Washington, DC, nhấn mạnh tiếng ồn có tác động tiềm ẩn đến sức khỏe con người.

Tiếng ồn không chỉ kích thích thính giác mà còn ảnh hưởng đến trung tâm vỏ não và hệ thần kinh tự chủ, nơi kiểm soát các phản ứng hệ thống và phản ứng kích thích trong cơ thể người.

Năm 1968, ông Gerd Jansen từ Viện Sinh lý phân tử Max Planck (Đức), đã đưa ra bằng chứng liên hệ giữa tiếng ồn và các vấn đề tim mạch. Kiểm tra hơn 1.000 công nhân tại các nhà máy công nghiệp Đức, ông Jansen phát hiện họ bị thay đổi các vấn đề sinh lý như tuần hoàn ngoại vi, tim, rối loạn cân bằng.

Những rối loạn này thể hiện rõ ràng, mật độ cao ở công nhân nhà máy so với người lao động tại các ngành nghề ít tiếp xúc với tiếng ồn.

Năm 2013, để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn tác động của tiếng ồn, hai nhà khoa học Thomas Münzel và Omar Hahad, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Đức, đã làm thử một thí nghiệm vào ban đêm.

Họ thu âm tiếng ồn từ máy bay và tiếng ồn từ khu dân cư, sau đó lần lượt phát vào các buổi đêm cho nhóm tham gia thí nghiệm. Sau một thời gian, các nhà khoa học thu thập nghiên cứu từ bảng câu hỏi, phân tích máu, xét nghiệm sinh lý nội mạc mạch máu của người tham gia.

Kết quả cho thấy vào những đêm tiếp xúc với tiếng ồn trên máy báy, chất lượng giấc ngủ của người tham gia thí nhiệm bị giảm, hóc-môn gây căng thẳng như adrenaline tăng, làm cứng mạch máu, gây rối loại chức năng nội mô mạch máu.

Hai yếu tố này là các dấu hiệu cận lâm sàng của chứng xơ vữa động mạch và rối loạn tim mạch. Như vậy, ô nhiễm tiếng ồn đã âm thầm len lỏi phá huỷ hệ thống tim mạch của con người thông qua việc làm suy giảm giấc ngủ.

Báo cáo năm 2015 của Cơ quan Môi trường châu Âu cũng chỉ ra gần 1,7 triệu ca tăng huyết áp, 80.000 ca nhập viện và 18.000 ca tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ ở Châu Âu mỗi năm.

Nguyên nhân của những căn bệnh này đến từ việc tiếp xúc với âm thanh xe hơi, xe tải, máy bay và tàu hỏa. Ngoài gia tăng các bệnh mạch vành, tiếng ồn là nguyên nhân gây ra các vấn đề tim mạch cấp tính.

Lần ngược nguyên do

Các nghiên cứu gần đây đã tìm ra lời giải thích nguyên do tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện tiếng ồn kích hoạt hệ thống limbic trong não, có vai trò điều hoà cảm xúc, giải phóng hóc-môn căng thẳng vào mạch máu, gây ức chế hệ thần kinh giao cảm.

Những phản ứng căng thẳng này có thể dẫn đến viêm não, căng thẳng oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô và bệnh tim mạch.

Nếu căng thẳng kéo dài, cholesterol và các tế bào miễn dịch sẽ tích tụ bên dưới lớp nội mạc, dẫn đến hình thành mảng bám gây hẹp lòng động mạch. Về lâu dài, mảng bám bị vỡ ra, dẫn đến các bệnh về tim mạch như hội chứng mạch vành cấp tính, mãn tính, đột quỵ, rối loạn nhịp tim. Đồng thời, gây rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của hai nhà khoa học Thomas Münzel và Omar Hahad cũng chỉ ra sử dụng vitamin C có thể cải thiện tác động của tiếng ồn đến giấc ngủ.

Từ tình trạng con người bị căng thẳng oxy hóa do ô nhiễm tiếng ồn, các nhà khoa học đã cho người tham gia thí nghiệm sử dụng vitamin C, chất chống oxy hóa. Kết quả, tình trạng giấc ngủ của họ được cải thiện, những ức chế tác động lên hệ thần kinh và vỏ não giảm.

Không giống với các nguy cơ gây bệnh tim mạch khác, ô nhiễm tiếng ồn không thể được điều trị tại bệnh viện. Y bác sĩ trong cuộc chiến này là các chính sách giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt tại các thành phố lớn hay trong các khu công nghiệp.

WHO đã đưa ra các khuyến nghị giảm áp suất tiếng ồn hàng ngày xuống còn 45 dB với máy bay, 53 dB với giao thông đường bộ, 54 dB với ngành đường sắt.

Giảm ô nhiễm tiếng ồn cũng góp phần làm giảm ô nhiễm không khí. Vì vậy, trong cuộc chiến này, nếu con người có thể kiểm soát tiếng ồn, họ sẽ phần nào cải thiện đượcnguồn không khí trên Trái đất.

Theo Môi Trường

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…