Nguy cơ Covid-19 ở New York tệ hơn Vũ Hán
Những đô thị lớn của Mỹ như New York có thể hứng chịu hậu quả Covid-19 nặng hơn Vũ Hán nếu không áp dụng biện pháp kiểm soát hiệu quả.
Nếu tốc độ tăng ca nhiễm nCoV mới như hiện nay vẫn tiếp diễn, New York sẽ phải hứng chịu đợt dịch nghiêm trọng hơn nhiều so với Vũ Hán, Trung Quốc hay vùng Lombardy của Italy, theo giới chuyên gia.
Đà tăng hiện tại có thể thay đổi nhờ các biện pháp chống dịch như cách biệt cộng đồng hoặc khoanh vùng, hạn chế lây nhiễm. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy thành phố New York vẫn chưa đạt được thành công trong phòng chống dịch vào cùng thời điểm với Vũ Hán và Lombardy. Điều đáng lo hơn là nhiều thành phố lớn khác tại Mỹ cũng đang đi theo quỹ đạo của New York.
Tờ New York Times của Mỹ đưa ra 4 cách tính quy mô bùng phát dịch tại các thành phố lớn, cũng như cảnh báo nguy cơ vỡ trận nếu các biện pháp kiểm soát không mang lại hiệu quả.
Trong giai đoạn đầu, quy mô dân số không có nhiều ý nghĩa khi một bệnh nhân thường chỉ lây cho vài người, bất kể là họ sống trong một thị trấn 100.000 dân hay đô thị 10 triệu người. Khi bệnh dịch bắt đầu lây lan, số ca nhiễm trên đầu người cho thấy mức độ phát tán của nCoV trong cộng đồng dân cư, cũng như nguy cơ quá tải của hệ thống y tế địa phương.
Vũ Hán hiện ghi nhận gần 51.000 người nhiễm trong tổng số hơn 11 triệu cư dân, đạt tỷ lệ 4,59 ca/1.000 dân. Tỷ lệ ca nhiễm trên 1.000 người của vùng Lombardy là khoảng 3,48. Bang New York có dân số cao gấp đôi Vũ Hán và tới nay đã báo cáo hơn 43.000 ca nhiễm nCoV, đạt tỷ lệ 2,15 ca/1.000 dân.
Con số người nhiễm được xác nhận cũng không phản ánh chính xác mức độ lây trong cộng đồng, do năng lực xét nghiệm hạn chế có thể bỏ lọt nhiều người mắc Covid-19 nhưng chưa có triệu chứng. Sự khác biệt trong tốc độ xét nghiệm giữa các vùng cùng gây khó khăn khi so sánh thống kê.
Tỷ lệ tử vong trên đầu người có thể là phép đối chiếu trực tiếp hơn, do nó bỏ qua nhiều biến số trong xét nghiệm. Khác biệt trong quy trình xét nghiệm ít ảnh hưởng tới phương pháp này, vì những bệnh nhân ốm nặng nhất ở Mỹ thường được xét nghiệm nCoV.
Lombardy là khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất với 0,48 người chết/1.000 dân, tỷ lệ này ở Vũ Hán là 0,23. New York có tỷ lệ tương đồng với phần lớn đô thị tại Mỹ, ở mức 0,02-0,03 ca tử vong/1.000 dân.
Dù vậy, phương pháp này cũng có một số hạn chế, chủ yếu do tỷ lệ tử vong phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe bệnh nhân, cũng như nguồn lực y tế địa phương. Mức tử vong có thể rất cao ở những nơi nCoV lây lan trong nhà dưỡng lão, dù nó không phát tán nhiều ra cộng đồng.
Phần lớn bệnh nhân Covid-19 qua đời sau vài tuần, khiến số người chết cũng không phản ánh chính xác quy mô đại địch đang bùng phát nhanh.
Tốc độ tăng ca bệnh theo thời gian sẽ giúp đánh giá nguy cơ bùng phát đại dịch, do nó không chỉ thống kê số người nhiễm mà còn thể hiện tốc độ tăng ca bệnh, từ đó cho thấy tình hình vùng dịch đang tốt lên hay xấu đi.
Mức tăng 40% trên đồ thị cho thấy tổng số ca nhiễm tăng 40% sau một ngày, trong khi 100% tương đương số người mắc Covid-19 tăng gấp đôi sau mỗi 24 giờ. Các quan chức y tế liên tục đề cập biện pháp “cách biệt cộng đồng” để “làm phẳng đường cong”, tức đưa đồ thị này dần tới mức 0.
New York hiện vẫn chứng kiến tốc độ tăng hơn 30%, cho thấy dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh và chưa được kiểm soát, trong khi Vũ Hán đã giảm về mức 0%. Một số thành phố như Baton Rouge báo cáo tốc độ tăng cao nhưng số người nhiễm nCoV vẫn thấp, tức là họ vẫn còn cơ hội làm phẳng đồ thị trước khi Covid-19 bùng phát.
Tốc độ tăng theo số ca bệnh được tính theo số trường hợp dương tính nCoV tại một khu vực nhất định. Nó cho thấy liệu một cộng đồng có thể hãm đà tăng trước khi có quá nhiều người nhiễm, hay “làm phẳng đường cong” được hay không.
Thống kê cho thấy tình hình ở New York chưa có dấu hiệu khả quan. Tốc độ tăng sẽ cao hơn rất nhiều so với Vũ Hán hay Lombardy khi số người nhiễm ở các vùng này tương đương nhau. Nhiều đô thị như Detroit và New Orleans cũng có thể bùng phát dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, Seattle và San Francisco lại đạt nhiều tiến triển trong nỗ lực kiểm soát.
Đồ họa này cũng hạn chế nhầm lẫn khi cho rằng một thành phố đang thành công khi duy trì đà tăng chậm vào giai đoạn đầu. Nhiều cách tính dựa trên tốc độ tăng ca bệnh theo thời gian, khiến mọi người lầm tưởng rằng những địa phương bùng phát dịch nhanh chóng đang là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Tuy nhiên, cộng đồng có tốc độ tăng ca bệnh cao với số người nhiễm lớn mới là nơi gặp vấn đề nghiêm trọng, bất kể là khi Covid-19 bùng phát sau 10 hay 100 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên.
Mỹ hiện là vùng dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 104.000 ca nhiễm nCoV, hơn 1.700 người chết và hơn 2.500 trường hợp bình phục. New York là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm và trên 500 bệnh nhân tử vong trên toàn quốc.
Theo vnexpress.net