Nghị Quyết Số 52 Của Bộ Chính Trị – Bệ Phóng Cho Việt Nam Trong Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp 4.0

“Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này…” là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0”. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các Bộ: KH&ĐT, TT&TT, Công Thương, KH&CN và NHNN tổ chức tại Hà Nội nhằm sớm đưa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị vào triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0

Nghị quyết 52 – Kịp thời và cần thiết

Phát biểu khai mạc phiên cấp cao của Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết CMCN 4.0 mở ra cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bất cập hiện nay là mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 của nước ta còn thấp; thể chế chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình. Năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia. Thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức…

Ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0

Từ thực tế trên, để nắm bắt và tận dụng các cơ hội của cuộc CMCN 4.0 lần này, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án, ngày 27/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Sắp tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể trên các lĩnh vực.

Theo ghi nhận của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao. “Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là vô cùng quan trọng song yêu cầu cấp thiết lúc này là phải nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc CMCN 4.0” – Trưởng Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Cần tăng cường tính kết nối, hợp tác trong CMCN 4.0

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận các ý kiến trao đổi tại phiên họp rất toàn diện, tập trung vào những kế hoạch, hành động cụ thể để tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0.

Phó Thủ tướng nhận định, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 song nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã bắt đầu từ trước đó, tiêu biểu chính là Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2018. Từ Diễn đàn năm ngoái đến năm nay, Việt Nam đã có hành động, đi đúng hướng và đạt được những kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số về phát triển Chính phủ điện tử, trong đó có chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, xếp thứ 59 trên thế giới. Về chỉ số thanh toán điện tử, so với năm ngoái đã tăng xấp xỉ 19,6% về số lượng giao dịch và 26,6% về giá trị, trong đó thanh toán qua di động đã tăng 104% về số lượng giao dịch và 155% về giá trị. Chỉ số An toàn, an ninh mạng đã tăng 50 bậc, đứng ở vị trí thứ 50 trên thế giới.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời gian tới có hai nhiệm vụ quan trọng nước ta cần làm tốt cho dù có cuộc CMCN 4.0 hay không. Đó là  cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đưa ra những tiêu chí đánh giá rất cụ thể dựa theo các xếp hạng của các tổ chức quốc tế, từ chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số chính phủ điện tử, chỉ số năng lực cạnh tranh…Việt Nam phải tiếp tục làm tốt những nhiệm vụ này bởi nó rất phù hợp với nhu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề con người, đào tạo nguồn nhân lực. CMCN 4.0 sẽ đưa đến những mô hình kinh doanh mới, ngành nghề mới và những dự báo của chúng ta về tương lai không chắc đã chính xác. Do đó cần phải có những con người sẵn sàng tận dụng thời cơ, sẵn sàng thích ứng, có những giải pháp linh hoạt với những thay đổi mà ngày hôm nay chúng ta không lường được. “Một đặc trưng đáng lưu ý của CMCN 4.0 là tính kết nối, tính hợp tác. Vì vậy cần phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa Chính phủ với doanh nghiệp, giữa Chính phủ với người dân, giữa người dân với nhau, giữa trong nước với nước ngoài. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không chỉ có trách nhiệm giải quyết những vấn đề của Việt Nam mà còn phải chung tay giải quyết những vấn đề chung của thế giới” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Bizc.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *