Mỹ bắt tay đồng minh đối phó Trung Quốc
Khi Trung Quốc ngày càng công khai tham vọng siêu cường, Mỹ và nhiều đồng minh đã tìm thấy “mặt trận chung” để sát cánh cùng nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khiến cả thế giới bất ngờ với bài phát biểu ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, hồi tháng 1/2017, khi lên tiếng bảo vệ thương mại tự do và hợp tác chống biến đổi khí hậu, đối lập với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” và chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bài phát biểu này dường như thể hiện tham vọng của ông Tập nhằm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới, nhưng nó cũng phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng tuân thủ luật lệ quốc tế và luật chơi thương mại được các nước công nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, ba năm sau, bầu không khí nồng nhiệt tại diễn đàn ở Davos đã gần như tan biến. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi cả thế giới và giờ đây một số lãnh đạo, những người từng ấn tượng về quan điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang lên tiếng yêu cầu điều tra về nguồn gốc nCoV, cũng như cáo buộc Trung Quốc “giấu dịch” và truyền bá thông tin sai lệch, trong khi Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận.
Bắc Kinh đã quen với các xích mích ngoại giao như vậy, nhưng mọi thứ giờ đây có vẻ đã rất khác. Các quốc gia từng chỉ “quan ngại” với Trung Quốc giờ chuyển sang chỉ trích gay gắt hơn và có những hành động quyết liệt hơn. Họ rõ ràng đang tìm cách “bắt tay” nhau để tạo ra ưu thế về số lượng ứng phó với Trung Quốc.
Sự phối hợp này có thể thấy rõ nhất trong phản ứng mạnh mẽ với quyết định áp luật an ninh Hong Kong gây tranh cãi của Bắc Kinh. Luật an ninh Hong Kong được thông qua ngày 30/6, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương.
Giới chuyên gia cho rằng luật an ninh sẽ làm xói mòn quyền tự trị tương đối cao của Hong Kong, trạng thái được dự kiến duy trì tới năm 2047 theo Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984.
Giọng điệu chỉ trích và hành động mà các cường quốc phương Tây nhắm vào Trung Quốc để phản đối đạo luật này tương đối giống nhau, theo Angela Dewan, bình luận viên của CNN.
Ngũ Nhãn là một liên minh tình báo được thành lập dựa trên hợp tác tình báo giữa Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand. 4 trong 5 thành viên, trừ New Zealand, đã ra tuyên bố chung lên án việc Bắc Kinh thông qua luật an ninh Hong Kong. Đây là một minh chứng cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi giữa các quốc gia này.
Anh xác nhận sẽ “mở đường” cho hàng triệu người Hong Kong có Hộ chiếu Hải ngoại (BNO) trở thành công dân nước này. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã đề nghị các thành viên Ngũ Nhãn “chia sẻ gánh nặng” với London nếu số người di cư từ Hong Kong quá lớn.
Australia cũng gia hạn thị thực và vạch lộ trình cho phép người Hong Kong trở thành công dân nước này, trong khi Canada tìm cách hỗ trợ người di cư từ thành phố. Australia đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong hôm 9/7, chỉ vài ngày sau tuyên bố tương tự của Canada, trong khi Anh và New Zealand đều xem xét lại các hiệp ước dẫn độ của họ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tước bỏ mọi ưu đãi dành cho Hong Kong.
Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) hôm 13/7 cũng cảnh báo khối đang phối hợp để ra quyết sách đối phó với Trung Quốc, dù cho biết chưa có quyết định cụ thể nào được đưa ra.
Những hứa hẹn về việc tiếp nhận người Hong Kong hay các tuyên bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ đang khiến Bắc Kinh khó chịu và đe dọa có hành động đáp trả. Chính quyền Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên không tới Australia du học vì nguy cơ phân biệt đối xử, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói Anh “chấp nhận thực tế là Hong Kong đã trao trả cho Trung Quốc”.
Dù các quốc gia đồng minh với Mỹ có thể đã thảo luận về chiến lược đối phó với Trung Quốc trong nhiều năm qua, các hành động phối hợp công khai như vậy rất hiếm thấy, theo Dewan.
Đầu tháng này, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã được thành lập với sự góp mặt EU và 16 quốc gia. Các thành viên của IPAC gồm các thượng nghị sĩ Mỹ như Marco Rubio và Bob Menendez, cũng như các nhà lập pháp đến từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Czech và Uganda.
Một trong số chiến dịch hiện tại của IPAC kêu gọi các nước thành viên từ bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. IPAC cũng kêu gọi các nước thành viên cung cấp “vùng an toàn” cho cư dân Hong Kong thông qua chương trình thị thực.
“Tôi chưa bao giờ thấy các quốc gia bỏ qua vai trò của Liên Hợp Quốc để cùng nhau tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc như vậy. Điều này rất đáng chú ý”, Yuka Kobayashi, phó giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học SOAS ở London, người cố vấn cho chính phủ và các tổ chức về vấn đề liên quan tới Bắc Kinh, cho hay.
“Rất nhiều quốc gia trước đây giữ mối quan hệ hòa hợp với Trung Quốc, nhưng giờ không như vậy nữa”, bà nói thêm.
Bà Kobayashi cũng chỉ ra việc nhiều quốc gia cùng loại bỏ công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi mạng 5G của mình theo lời kêu gọi của Mỹ là minh chứng cho sự đoàn kết quốc tế chống Bắc Kinh.
“Sự phối hợp này sẽ đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc”, bà Kobayashi nhận định.
Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì hôm 14/7, Bộ trưởng Truyền thông Anh Oliver Dowden công bố quyết định cấm công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia mạng 5G tại nước này. Các hãng viễn thông Anh cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ Huawei. Đây được xem là “chiến thắng lớn” của chính quyền Trump sau nhiều tháng tìm cách gây sức ép với các đồng minh về vấn đề này.
“Chúng tôi hoan nghênh thông tin Anh lên kế hoạch cấm Huawei khỏi mạng 5G trong tương lai và loại bỏ thiết bị Huawei không đáng tin cậy khỏi các mạng hiện có”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14/7 cho biết trong một tuyên bố.
Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng đã cấm hoặc lên kế hoạch “xóa sạch” mọi sản phẩm của Huawei, do lo ngại về vấn đề an ninh và dữ liệu cá nhân nhạy cảm bị đe dọa.
Bình luận viên Dewan cho rằng các quyết định này không được đưa ra đồng thời, nhưng các quốc gia đều theo dõi chặt chẽ quyết định của các nước đồng minh và làm theo.
Huawei nhiều lần phủ nhận cáo buộc rằng họ chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh và khẳng định họ độc lập với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại công ty này có thể bị bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu cá nhân cho giới chức Trung Quốc trong một số trường hợp, theo quy định của luật pháp Trung Quốc.
Ấn Độ gần đây cấm cấm nền tảng mạng xã hội TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc do lo ngại về an ninh, dù quyết định này được xem là hành động trả đũa cho cuộc đụng độ biên giới tháng trước. Mỹ cũng đang cân nhắc lệnh cấm TikTok vì lý do an ninh.
Trung Quốc ngày càng công khai tham vọng thống trị thế giới và Bắc Kinh dường như cho thấy họ sẵn sàng để trở thành nhà lãnh đạo mới trên vũ đài quốc tế. Nền kinh tế phát triển nhanh của Trung Quốc gắn liền với quá trình toàn cầu hóa, nên việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay hội nghị G20 rất quan trọng với Bắc Kinh. Tham gia hiệp định khí hậu Paris cũng góp phần tăng uy tín toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.
Nhưng không ít quyết định quan trọng của Bắc Kinh năm nay cho thấy Trung Quốc thực hiện rất hạn chế cam kết tuân thủ quy định quốc tế. Trong khi thế giới tập trung cho cuộc chiến chống Covid-19, Trung Quốc lại thực thi chiến lược “ngoại giao chiến lang” nhằm gia tăng ảnh hưởng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động gây hấn với chính các nước láng giềng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia đều “lớn tiếng” trước những động thái của Trung Quốc. EU có thể đồng thuận phản ứng với luật an ninh Hong Kong, nhưng hành động rất thận trọng, bởi nhiều nước trong khối không muốn phá hỏng mối quan hệ với Bắc Kinh và Đức là một ví dụ.
Trong bối cảnh Đức phải đánh giá lại mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ vì căng thẳng leo thang về an ninh và thương mại, giới lãnh đạo Đức nhận thấy cần phải thắt chặt hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin. “Mối quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng”, bà Merkel nhấn mạnh và thêm rằng “nó quan trọng về mặt chiến lược”.
“Loại bỏ Trung Quốc không phải lựa chọn thực tế. Nhưng ngày càng nhiều nước trên thế giới cho thấy quyết tâm cùng nhau định hình lại mối quan hệ với Bắc Kinh”, bình luận viên Dewan nhận định.
Thanh Tâm (Theo CNN) (nguồn: vnexpress.net).