Liên tiếp tập trận trên biển, Trung Quốc đang muốn gì?
Các cuộc tập trận của Trung Quốc đang ngày càng gần Đài Loan và các đảo do Đài Loan kiểm soát. Giới chuyên gia nhận định các hoạt động quân sự của Bắc Kinh là một phần trong chiến tranh tâm lý nhắm vào Đài Bắc.
“Nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, tần suất tổ chức tập trận liên tục của Trung Quốc như chúng ta thấy rất đáng lo ngại”, thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề.
Trung Quốc sẽ tiến hành thêm hai cuộc tập trận nữa bắt đầu vào ngày mai 24-8 và kéo dài tới ngày 29-8. Vị trí hai cuộc tập trận này tạo thành thế gọng kìm quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan nắm giữ.
Hồi đầu tháng 8, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận quy mô lớn trong vịnh Bắc Bộ với các khoa mục đổ bộ chiếm đảo. Máy bay ném bom chiến lược H-6J cũng được huy động thực hiện các bài tập tấn công tầm gần và tầm xa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Thế Phương nhận định đối tượng mà Trung Quốc muốn hướng tới thông qua các cuộc tập trận này chủ yếu là Mỹ và Đài Loan, tiếp theo là các nước có liên quan tới tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Thông điệp là: trong bối cảnh căng thẳng và đại dịch hiện nay, Trung Quốc có đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cần thiết để chống lại bất kỳ sức ép hay hành động gây hấn nào”, nghiên cứu viên của SCIS nhận định.
Theo ThS Thế Phương, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung-Đài vẫn đang cao, các động thái và phát ngôn gần đây của Đài Loan, chẳng hạn hợp đồng mua 66 tiêm kích F-16 từ Mỹ, dường như đã khiến Trung Quốc “nóng mặt” và nhận thấy cần phải gây sức ép.
“Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và áp dụng chiến tranh tâm lý nhắm vào công chúng tại Đài Loan. Tập trận là một phần trong nỗ lực đó bên cạnh các động thái như triển khai máy bay chiến đấu đe dọa không phận Đài Loan.
Trung Quốc đang cố gắng mô phỏng các chiến dịch chiếm Đài Loan và đảo Đông Sa, một hòn đảo chiến lược quan trọng do Đài Loan kiểm soát. Điều này gây áp lực lớn cho Đài Loan và thu hút sự chú ý từ Mỹ cũng như các nước khác có liên quan”, ThS Thế Phương lập luận.
Về cuộc tập trận phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 24-8, ông Thế Phương cho rằng cần đặt nó trong một chuỗi các cuộc tập trận của Trung Quốc trước đó.
Kể từ đầu tháng 8, Trung Quốc tiến hành tập trận liên tục ở Chiết Giang, Quảng Đông và khu vực bắc Biển Đông (trong đó có Hoàng Sa). Các khoa mục tập trung vào các hoạt động tác chiến đổ bộ và phối hợp quân binh chủng tác chiến biển.
“Cần lưu ý một thực tế là đa phần các cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch trước trong một khoảng thời gian dài, có một số cuộc tập trận mang tính thường niên. Phản ứng của các quốc gia không nên mang tính thái quá”, chuyên gia Thế Phương nêu quan điểm.
Theo Tuổi trẻ