Liên minh Cứu sông Mekong đề xuất hủy dự án thủy điện Sanakham ở Lào
Ngày 2-6, Liên minh Cứu sông Mekong đã phát thông cáo kêu gọi Ủy hội Sông Mekong (MRC) và chính phủ các quốc gia dọc sông Mekong dừng kế hoạch xây dựng dự án thủy điện Sanakham tại Lào.
Liên minh Cứu sông Mekong kêu gọi tìm kiếm các giải pháp chuyển dịch năng lượng thay vì xây dựng thủy điện. Đây là dự án thứ 6 được đề xuất trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Cụ thể, Liên minh Cứu sông Mekong nhận định dự án thủy điện Sanakham tốn kém, không cần thiết và rủi ro nên cần hủy bỏ.
Dự án này có công suất lắp đặt 684 MW, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD, xây dựng trong 8 năm. Tính trung bình, mỗi năm dự án này sẽ cung cấp 90 MW điện, điều này kém hiệu quả hơn so với việc tăng cường các dự án năng lượng bền vững vốn đang được triển khai trong khu vực.
Đơn cử từ tháng 4 đến tháng 7-2019, VN đã đầu tư hơn 4.400 MW điện mặt trời, gấp 6 lần công suất của thủy điện Sanakham. Dự kiến nguồn điện tạo ra từ đập Sanakham được xuất khẩu sang Thái Lan. Tuy nhiên, lượng thặng dư điện của Thái Lan hiện tại lớn, thậm chí còn tăng nhiều hơn khi nền kinh tế suy giảm vì đại dịch COVID-19.
Theo Liên minh Cứu sông Mekong, mặc dù đập Sanakham được đề xuất xây dựng trên dòng chính sông Mekong, cách biên giới Thái Lan – Lào khoảng 2km về phía thượng lưu, nhưng không có các đánh giá cẩn trọng cũng như các tham vấn thực chất về tác động xuyên biên giới của dự án này.
Liên minh Cứu sông Mekong cho rằng biến đổi khí hậu và các dự án thủy điện hiện có ở thượng nguồn khiến dòng chảy và mực nước biến động khó lường, từ đó tác động trở lại lượng điện được tạo ra từ Sanakham và các đập khác trên dòng chính.
Mặt khác, hầu hết nội dung trong đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới của đập Sanakham, đánh giá tác động tích lũy đều lỗi thời, sao chép nội dung từ bản đánh giá đập Pak Lay.
Do đó, Liên minh Cứu sông Mekong kêu gọi hủy bỏ dự án đập Sanakham và kế hoạch xây dựng các đập khác trên dòng chính của sông Mekong, đồng thời đề nghị chính phủ các nước ở hạ lưu sông Mekong và MRC giải quyết các mối quan ngại bức thiết về tác động của các đập hiện có; thực hiện đánh giá các phương án năng lượng toàn diện, chuyển đổi năng lượng nhằm duy trì hệ sinh thái trọng điểm Mekong để vẫn đáp ứng và bảo vệ nhu cầu của cộng đồng trong khu vực; giải quyết các mối quan tâm hàng đầu về quá trình tham vấn trước.
Trước đó, MRC cũng đã thông báo đề xuất dự án thủy điện Sanakham tại Lào sẽ trải qua quy trình tham vấn trước (PNPCA).
Thông cáo nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc dừng vĩnh viễn các đập trên dòng chính sông Mekong, ưu tiên các phương án năng lượng bền vững và công bằng nhằm tôn trọng quyền cộng đồng”.
Theo Liên minh Cứu sông Mekong, tiềm năng to lớn về hiệu suất năng lượng và năng lượng tái tạo phi thủy điện bền vững cùng với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ sản xuất, truyền tải và dự trữ kèm theo chi phí ngày càng giảm có thể giúp hiện thực hóa việc tiếp cận, đảm bảo an ninh năng lượng cho người dân và các nền kinh tế trong khu vực mà không phá hủy các dòng sông và tài nguyên thiên nhiên.
Hơn nữa, các biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo phi thủy điện có thể triển khai rộng rãi hơn, nhanh chóng hơn với chi phí thấp hơn so với các dự án thủy điện quy mô lớn tập trung.
Theo Tuổi Trẻ online