Lắng nghe người dân hiến kế: Đặt tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai của TP HCM
Việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh hiện nay là điều nên và cần phải làm
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng sống cao.
Phá bỏ rào cản ngôn ngữ để hội nhập
Để có “đô thị thông minh”, trước hết phải có con người thông minh. Tiếng Anh không chỉ để giao tiếp hay làm việc mà nó còn thay đổi cách suy nghĩ, nâng tầm tư duy, mở rộng hiểu biết, đồng thuận tinh thần cho người dân và lãnh đạo.
Điển hình, muốn thế giới nghĩ ngay đến TP HCM – TP khởi nghiệp thì trước hết phải bỏ đi rào cản ngôn ngữ, tạo cảm giác quốc tế, mời gọi công dân toàn cầu đến cùng khởi nghiệp hoặc hợp tác. Về bản sắc văn hóa đô thị TP HCM, nên lựa chọn là “Văn hóa 4.0”, định hình cách sống, cách làm việc cho phù hợp với công nghệ mới và người dân toàn cầu chứ không chỉ người trong nước với nhau. Tiếng Anh là thành phần thiết yếu cấu tạo nên nó.
Singapore khi độc lập đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, mặc dù đa số người dân nói tiếng Hoa, Malaysia và Tamil. Ngoài lý do để tránh xung đột sắc tộc, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc ấy còn thấy được lợi ích bứt phá của tiếng Anh với đất nước. Tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển và hội nhập của đất nước bởi đó là ngôn ngữ toàn cầu. Điều đó đã được minh chứng qua sự phát triển thành công của Singapore ngày nay. Hay ở Liên bang Mỹ không chọn ngôn ngữ chính thức nhưng 31/50 tiểu bang có chính sách riêng là chọn tiếng Anh.
Những chính sách cần nghiên cứu triển khai
Việc công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong bối cảnh hiện nay là điều nên và cần phải làm. Để chính sách đi được vào cuộc sống, trước tiên phải luật hóa. Đặt biệt danh quốc tế và slogan tiếng Anh để cả thế giới dễ gọi tên, ví dụ: TP HCM – the start-up city, where stars are born (TP HCM – thành phố khởi nghiệp, nơi sản sinh các ngôi sao).
Mọi biển báo trên đường, giấy tờ hành chính, tuyên truyền phát thanh… được thể hiện bằng 2 thứ tiếng: Việt và Anh. Lập hoặc cấp vốn cho tư nhân, các đài truyền hình, báo chí làm phim, Facebook page và YouTube để truyền thông, quảng cáo về TP HCM bằng tiếng Anh. Đây cũng là nguồn thu lớn nếu thu hút được hàng tỉ người xem.
Mời gọi làm chủ nhà cho các cuộc thi – sự kiện – giao hữu quốc tế để “gà nhà” cọ xát nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Ví dụ: Hội chợ công nghệ, thành lập liên minh start-up quốc tế, hội thảo chia sẻ với các khách mời hàng đầu về kinh doanh như Elon Musk, Warrent Buffet, Mark Zuckerberg… Thu hút người dân các nước, vùng lãnh thổ khác tham gia, nâng tầm và mang lại nguồn thu du lịch “khủng”.
Quy hoạch một khu vực “English town” (phố tiếng Anh) tương tự phố đi bộ hoặc thậm chí một “English district” (quận tiếng Anh) tập trung nhà ở, công ty, cửa hàng, trường học…, đặc biệt là các start-up dùng tiếng Anh để trao đổi. Đây là “tụ điểm” của sự sáng tạo, đột phá khi tổng hợp được chất xám của mọi người trên thế giới, một “trái đất trong lòng thành phố”. Làm sao cho nó trở thành trọng điểm kinh tế, thu ngân sách dẫn đầu TP HCM.
Hằng năm truy tặng danh hiệu “Công dân danh dự của TP HCM” dành cho các cá nhân trong và ngoài nước có những sản phẩm hoặc đóng góp cho thành phố. Nên trao cho cả những người mà đóng góp của họ không trực tiếp dành cho riêng TP HCM mà dành cho Việt Nam và toàn nhân loại. Một tiêu chuẩn bắt buộc là họ biết tiếng Anh và là “đại sứ truyền miệng” nâng cao uy tín và lan tỏa ảnh hưởng của thành phố ra toàn cầu.
Hiện nay chứng chỉ IELTS là số 1 để đánh giá trình độ tiếng Anh không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lệ phí thi lấy bằng lên tới gần 5 triệu đồng là quá cao so với thu nhập của người dân. Chưa kể chi phí luyện thi rất lớn mà lợi ích thật sự không toàn diện. Do vậy, TP HCM nên lập hội đồng, đề ra chứng chỉ tiếng Anh mới, sát với chuẩn tiếng Anh thực tế, chi phí vừa phải sẽ hiệu quả hơn.
Trên cơ sở đó đề ra chương trình dạy tiếng Anh từ số 0 cho đến khi đạt chuẩn ngôn ngữ thứ hai. Tối thiểu là chương trình “Phổ cập tiếng Anh cho toàn dân” ở cấp độ đáp ứng được khách du lịch. Việc này góp phần tạo ra điểm cộng về du lịch cho TP HCM. Nguồn lực phổ cập là hàng ngàn trung tâm tiếng Anh, học sinh và sinh viên giỏi tiếng Anh. Ngân sách có thể từ các công ty, trung tâm Anh ngữ có nhu cầu quảng cáo. Quan trọng là tạo được hiệu ứng lan tỏa như “Ngày hội đọc sách” hay “Ngày hội hiến máu”.
Theo Người Lao Động