Lá chắn Mỹ có thể thất bại trước tên lửa Iran
11 tên lửa Iran đánh trúng đích trong đòn tập kích hai căn cứ ở Iraq, trong khi phòng không Mỹ dường như án binh bất động.
“Iran đêm qua phóng 15 tên lửa. 10 quả đánh trúng căn cứ không quân Ain al-Asad gần thủ đô Baghdad, một quả bắn vào sân bay Irbil ở phía bắc và 4 quả gặp trục trặc trong hành trình bay”, một quan chức giấu tên của Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ hôm nay tiết lộ.
Lực lượng phòng thủ của Mỹ tại hai căn cứ này dường như đã phát hiện vụ tấn công, nhưng không kịp phóng đạn đánh chặn. “Họ theo dõi được các vụ phóng và kịp báo động để binh sĩ tìm nơi trú ẩn”, quan chức này nói thêm.
Tuy nhiên, một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ khẩu đội phòng không Patriot tại Irbil đã bắn hạ ít nhất một tên lửa đạn đạo Iran. Các thông tin còn nhiều mâu thuẫn, do vụ tập kích diễn ra lúc rạng sáng, trong khi quân đội Mỹ phải chờ trời sáng để đánh giá đầy đủ thiệt hại sau đòn tấn công.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng nay tiến hành hai đợt tấn công dồn dập bằng tên lửa vào căn cứ Ain al-Asad và Irbil của Iraq, nơi có lực lượng Mỹ đồn trú. Truyền thông Iran sau đó công bố các hình ảnh cho thấy nhiều tên lửa đồng loạt khai hỏa, làm rực sáng bầu trời.
Truyền thông Iran cho biết IRGC đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 cho đợt tập kích căn cứ Ain al-Asad, trong khi hình ảnh hiện trường tại Irbil cho thấy các mảnh vỡ dường như của tên lửa Qiam-1. Đây là hai loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn chủ lực trong biên chế IRGC, từng nhiều lần được Iran sử dụng để không kích mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
Quân đội Mỹ không tiết lộ các vũ khí phòng không tại căn cứ Ain al-Asad, nhưng đây từng là căn cứ lớn thứ hai của Washington trên lãnh thổ Iraq. Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania từng tới đây vào tháng 11/2018, Phó tổng thống Mike Pence và vợ cũng thăm sân bay Ain al-Asad hồi cuối năm 2019.
Sân bay Irbil nằm tại thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq, là cơ sở quan trọng với các hoạt động của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ.
Việc hơn 10 tên lửa đạn đạo của Iran rơi trúng mục tiêu mà không bị đánh chặn đặt ra câu hỏi lớn về năng lực phòng thủ của các hệ thống phòng không Mỹ, đặc biệt là tổ hợp Patriot, chuyên được bố trí để bảo vệ các căn cứ, cơ sở hạ tầng trước mối đe dọa từ tên lửa đối phương.
Trong vụ hai nhà máy dầu của Arab Saudi bị tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái hồi năm ngoái, các tổ hợp Patriot của Arab Saudi và Mỹ trong khu vực cũng hứng nhiều chỉ trích vì không kịp thời phát hiện và đánh chặn các quả đạn lao tới.
Lầu Năm Góc hồi đầu năm ngoái lên kế hoạch mua hai tổ hợp lá chắn tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) của Israel nhằm tăng cường năng lực bảo vệ các lực lượng mặt đất. Việc Mỹ mua Vòm sắt dường như là sự thừa nhận về những bất cập của hệ thống Patriot do nước này phát triển.
Theo Vnexpress.net