Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế
TTO – Chủ tịch tỉnh Kiên Giang vừa đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Trước đó, tháng 8-2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế.
Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch, tuy nhiên đến nay dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.
Tỉnh Kiên Giang cũng cho biết đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.
Hơn nữa, theo Luật quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.
Vì vậy nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Theo đề án phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Chính phủ, đảo Phú Quốc được định hướng phát triển không gian các khu chức năng, vùng phát triển đô thị, không gian vùng phát triển khu phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, không gian vùng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, không gian vùng đặc biệt với sân bay, cảng biển, khu phi thuế quan.
Đề án này cũng ước tính đầu tư toàn xã hội để phát triển các lĩnh vực theo quy hoạch khoảng 40 tỉ USD, tương đương 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2016 – 2030, trong đó vốn nhà nước 59%, tư nhân 41%.
BẢO NGỌC/TTO