Không để “trên thông, dưới tắc” trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa

Mặc dù các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên, một số địa phương lại có quy định riêng khiến hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Chính sách của địa phương gây khó cho lưu thông

Tại Hội nghị trực tuyến về thuận lợi cho vận chuyển nông sản Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều ngày 25/8, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu một thực tế từ vướng mắc của MM Mega Market trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở TP Cần Thơ.

Theo đó, do hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương, về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu. Trong khi MM Mega Market đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế/phụ lái trước 1 ngày vào 13h00 hàng ngày cho Sở Công Thương của TP Cần Thơ và sau đó có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký. Ngày 24/8, các xe của MM Mega Market phải đợi từ sáng đến tối nhưng vẫn chưa được vào thành phố.

Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại đầu cầu trụ sở Bộ Công Thương

Đặc biệt, UBND TP Cần Thơ còn yêu cầu “tất cả các phương tiện đến TP giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định”.

Ông Trần Duy Đông cho hay, hàng hóa của các hệ thống phân phối là hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cần được bảo quản nhiệt độ mát hoặc đông lạnh thì không thể chuyển tải tại các điểm tập kết quy định của TP vì sẽ làm hư hỏng sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ bảo quản ngoài trời, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, hàng hóa được đai vào các pallet nên khối lượng rất nặng, từ 1 – 1,5 tấn/pallet (không phải hàng rời) nên không thể bốc tách dễ dàng cho việc chuyển tải qua xe khác nếu không có các dụng cụ/thiết bị chuyên dụng thích hợp như: xe nâng, xe nâng tay, dụng cụ ràng/đai pallet… Trong khi đó, tại các điểm tập kết thì không có các thiết bị chuyên dụng này.

Một số địa phương khác như: Kon Tum, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang… không cho xe tải vào mà yêu cầu phải sang xe, đổi tài xế mới cho vào tỉnh. Phú Quốc (Kiên Giang) thì yêu cầu tài xế giao hàng phải ở lại đảo 30 ngày.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, khi xe vận chuyển vật tư sản xuất, sản phẩm đi tiêu thụ, dù đủ điều kiện nhưng người ngồi trên xe và lái xe vẫn không đi được qua các huyện, xã, thôn mà yêu cầu phải trung chuyển bằng xe nên gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ yêu cầu nếu muốn lưu thông, ngoài điều kiện quy định thì phải có xác nhận của Sở Giao thông vận tải, việc này làm hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, bế tắc.

Cùng theo ông Phùng Đức Tiến, tại tỉnh lộ, quốc lộ, việc vận chuyển lưu thông hàng tương đối tốt nhưng huyện lộ xã lộ lại rất khó khăn. Như trường hợp của Công ty Ba Huân, lái xe vào Cần Thơ để vận chuyển bao bì về đóng gói trứng, nhưng chờ đến 2 ngày nay vẫn chưa vào được nên không thể có bao bì đóng gói sản phẩm.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến chung quan điểm, quy định thủ tục giữa các địa phương khác nhau, không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan về việc cho phép hàng hóa được lưu thông thông suốt, trừ hàng hóa cấm kinh doanh. Thậm chí có địa phương còn ban hành văn bản để đạt mục tiêu “hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng chống dịch bệnh” (Công văn số 3438/UBND-KT ngày 21/8/2021 của UBND TP Cần Thơ) đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, về giao thông vận tải, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không thống nhất. Thậm chí, có tình trạng địa phương này không công nhận giấy tờ của địa phương khác cấp, hoặc xe chuyển hàng được địa phương này cho lưu thông nhưng địa phương kia không cho vào dẫn đến chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn kép cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

Một số địa phương không chấp nhận kết quả PCR của tỉnh khác và yêu cầu lái xe phải kiểm tra PCR lại tại cơ sở y tế của tỉnh. Một số địa phương yêu cầu kết quả test Covid-19 có giá trị trong 24h, trong khi các tỉnh khác cho phép kết quả trong 72h. Việc không thống nhất về test nhanh hoặc PCR giữa các địa phương, không chấp nhận kết quả test của địa phương khác khiến lãng phí thời gian và tiền bạc….

Lãnh đạo địa phương nói gì?

Liên quan đến vấn đề tắc nghẽn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại địa phương mình, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho hay, trước đây, ở trạng thái bình thường, có khoảng 15- 16 nghìn xe các loại lưu thông trên địa bàn. Khi thực Chỉ thỉ 16 thì có khoảng 4 nghìn xe lưu thông. Gần đây, khi công văn số 3438 của UBND về hướng dẫn điều tiết giao thông phân luồng trong điều kiện phòng chống dịch trên địa bàn TP, thì có khoảng 2.000 xe lưu thông, trong đó có khoảng 800 xe mượn đường qua trung tâm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nếu để 3.000 điểm giao nhận hàng hóa như trước đây thì sẽ không kiểm soát được việc phòng chống dịch giữa lái xe từ tỉnh ngoài vào địa bàn TP. Do đó, hiện việc giao nhận hàng hóa được thực hiện ở 12 điểm và sẽ mở rộng thêm. Mục tiêu là tạo thuận lợi chứ không phải gây khó khăn.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cũng cho rằng, việc ùn tắc xảy ra do nhiều phương tiện vận chuyển tập trung về điểm trung chuyển của TP; do mượn đường đi qua TP cùng với đường giao nhận hàng hóa; thao tác vận chuyển, chuyển đổi tài xế chậm… Đồng thời cho rằng, TP Cần Thơ kiểm tra công tác phòng chống dịch giữa xe này với xe khác chứ không phải kiểm tra hàng hóa và chỉ kiểm tra trong địa phận vào TP chứ không làm với luồng xanh. TP Cần Thơ hướng tới mục tiêu của Thủ tướng là phòng chống dịch cho tốt nhưng đảm bảo vận tải lưu thông thông suốt, đảm bảo phát triển kinh tế.

Xe tải chở hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xe chở nhu yếu phẩm được lưu thông bình thường qua các trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia- cho hay, tại TP Cần Thơ hiện chỉ 800 xe mượn đường qua trung tâm/ngày thì không là gì bởi Quốc lộ 1 xuyên qua TP Ninh Bình 8.000 xe/ngày mà vẫn đảm bảo lưu thông thông suốt. Do đó, địa phương tổ chức như thế nào thì vẫn phải đảm bảo lưu thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc. Nếu tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa thì phải chuẩn bị đủ năng lực, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng hóa chứ không phải quy định ra đấy, còn doanh nghiệp nào thực hiện được thì làm. “Ngay cả hàng hóa phục vụ chống dịch mà còn bị ngăn cản thì rõ ràng có vấn đề rất lớn ở đây, đề nghị địa phương cần quan tâm, rút nghiệm”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Hiện, TP Hồ Chí Minh tất cả các xe tải có giấy nhận diện của Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải thì không cần phải kiểm tra giấy đi đường. Việc này đã được quán triệt ở tất cả các chốt kiểm dịch. Do đó, vận tải lưu thông hàng hóa không bị vướng, có vướng thì chỉ bị trong một vài ngày đầu trục trặc trong việc cấp giấy đi đường cho lực lượng lái xe, lực lượng xếp dỡ, lực lượng lao động ở điểm phân phối và tập kết hàng hóa. Còn tại Hải Phòng, tổ chức các điểm ăn nghỉ tập trung cho lái xe và được thực hiện phòng chống dịch rất nghiêm ngặt để đảm bảo lực lượng lái xe “sạch” nhằm duy trì lực lượng lao động trọng yếu trong hoạt động vận tải.

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, đề nghị các địa phương tham khảo kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng về vấn đề này. Hiện đã có các quy định rõ phòng chống dịch đối với lái xe và người thực hiện các nhiệm vụ liên quan vận tải hàng hóa để các địa phương thống nhất quan điểm, phương thức, nội dung về kiểm soát dịch bệnh trên tất cả các chốt trên các tuyến giao thông từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, thôn, xã. Tránh tình trạng “tỉnh thì thông còn thôn thì tắc”. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản.

Không “đẻ” thêm các văn bản, giấy phép con; tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Để việc lưu thông hàng hóa được thực hiện xuyên suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Duy Đông kiến nghị, các văn bản chỉ đạo của các địa phương cần thống nhất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Không tạo ra các quy định mang tính chất “hơi vô lý” với lý do phòng chống dịch, trừ TP Hồ Chí Minh là trường hợp ngoại lệ.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải rút ngắn thời gian cấp QR (phân luồng xanh) cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm http://luongxanh.drvn.gov.vn và tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh, thành phố thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ chủ quản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa.

“Về phía các địa phương, TP Cần Thơ cần cân nhắc bỏ trạm trung chuyển hàng hóa. Hiện, một số doanh nghiệp, trong đó có MM Mega Market vẫn đang tắc. Đề nghị địa phương có tiếp thu xử lý luôn để tạo kiện cho các doanh nghiệp phân phối thuận tiện trong lưu thông phân phối”, ông Trần Duy Đông nêu đề xuất.

Qua ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải- đề nghị, phải thống nhất tất cả các hàng hóa hiện nay đều là hàng hóa thiết yếu (trừ hàng cấm) bởi không có sản xuất thì sắp tới khó khăn sẽ rất lớn. Tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy đều là luồng xanh. Các đơn vị, UBND các cấp cần xem xét và thực hiện nghiêm Công văn số 1015 /TTg-CN ngày 25/7/2021 củaThủ tướng Chính phủ và Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/07/2021 của Văn phòng Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Đồng thời các địa phương cần rà soát lại toàn bộ văn bản của địa phương mình để không trái với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của các địa phương, test nhanh và PCR có giá trị như nhau và có giá trị trong 72 giờ, không “đẻ” thêm các văn bản, giấp phép con. Rà soát lại, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, hàng hóa vận chuyển. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái xe. Đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, khi đã có mã QR không cần cấp giấy đi đường. Đồng thời yêu cầu bỏ điểm trung chuyển hàng hóa.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, hiện, phần mềm cấp giấy nhận diện có mã QR, tạo luồng xanh cho phương tiện lưu thông của Bộ Giao Thông vận tải đã nâng cấp thành công và cấp tự động Mức độ 4. Khi đó, việc cấp mã QR là tự động, trong trường hợp có trục trặc thì tối đa 12 giờ phải cấp cho doanh nghiệp.

Các bộ ngành địa phương cần kết nối, tham gia đường dây nóng với Bộ Giao thông vận tải để nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, kịp thời xử lý các vướng mắc trong phạm vi mình phụ trách. “Ngày 24/8/2021, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ôtô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị các địa phương nghiên cứu thực hiện nghiêm để đảm bảo lưu thông thông suốt”, ông Nguyễn Văn Thể nói.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…