Iran báo thù Mỹ cách nào?
Cuộc không kích tiêu diệt tướng Soleimani có thể thôi thúc Iran đẩy Mỹ khỏi Iraq, kích động dân quân, tạo làn sóng bạo lực mới khắp Trung Đông.
Thiếu tướng Qassem Soleimani, quan chức quyền lực thứ hai Iran, bị giết chết trong cuộc không kích của Mỹ tại thủ đô Baghdad, Iraq, giữa lúc phạm vi ảnh hưởng của Iran trong khu vực, được ông xây dựng thành công suốt thập kỷ qua, trở thành mối đe dọa của một số người ở Trung Đông.
Tại Iraq, các cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra từ tháng 10 nhằm phản đối ảnh hưởng của Tehran, thường do người Shiite thân Iran dẫn dắt. Biểu tình làm hàng trăm người chết, liên quan đến các lãnh sự quán Iran tại Karbala và Najaf, các thành phố linh thiêng của người Shiite phía nam Baghdad.
Tại Lebanon, phong trào biểu tình chống tham nhũng được phát động trong tháng 10, thách thức hệ thống chính trị bị kiểm soát chặt chẽ bởi nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran. Sau khi xây dựng hình ảnh chống “kẻ thù Do Thái”, Hezbollah bị nhiều người Lebanon, trong đó có người Shiite mà nhóm vũ trang này tuyên bố đại diện, coi là một phe chính trị khác. Họ bị cáo buộc chịu trách nhiệm cho sự rối loạn trong các cơ quan nhà nước Lebanon.
Nhưng ở Trung Đông, những gì người dân muốn chưa hẳn là điều quan trọng. Việc Mỹ đã giết tướng Soleimani trao cho Iran thêm động lực giành lại ảnh hưởng chiến lược. Và cái giá phải trả có thể là làn sóng bạo lực mới khắp khu vực.
“Đây là thời điểm khó khăn của Iran, nhưng không phải là khởi điểm kết thúc ảnh hưởng của Iran trong khu vực”, Emile Hokayem, chuyên gia về an ninh Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, Anh, nói. “Chúng tôi đánh giá thấp khả năng chịu đựng nỗi đau của Iran, khả năng đầu tư nguồn lực và thời gian họ nghĩ rằng sẽ đạt được tham vọng”.
Tướng Soleimani đã chứng minh rằng ở Syria, nơi lực lượng Quds và dân quân Shiite từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và những nơi khác dồn về, đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad giữ vững quyền lực suốt 9 năm nội chiến.
Tuy nhiên, nỗ lực củng cố ảnh hưởng của Iran đang bị thách thức bởi các cuộc không khích của Israel và hợp tác mới giữa Nga, nhà viện trợ chính của Assad, với Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch trừng phạt của Mỹ nhằm “tạo áp lực tối đa” lên Iran đã làm suy yếu khả năng hỗ trợ các đối tác trong khu vực của lực lượng Quds, đồng thời thổi bùng bất ổn ở quê nhà.
Trước cái chết của Soleimani, giới chức tại Trung Đông tin rằng sớm muộn gì Iran cũng sẽ tiến hành không kích một số vị trí trong khu vực nhằm phá vỡ thế bế tắc và cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh lợi ích của họ, nhất là sau đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hồi tháng 9, nhằm vào nhà máy dầu Arab Saudi.
Sau vụ không kích, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm qua thề báo thù tồi tệ Mỹ.
Mối thù đó không nhất thiết trả ngay lập tức. “Thời gian để Iran trả đũa là vô hạn. “Mơ hồ về những gì sẽ làm và thời điểm thực hiện là cách Iran vận hành”, Adnan Tabatabai, chuyên gia phân tích về Iran, CEO viện nghiên cứu CARPO tại Đức, bình luận.
“Họ sẽ tính toán cách trả đũa để Mỹ không phản ứng lại quá dữ dội. Một cuộc chiến toàn diện không nằm trong suy tính của Iran. Nhưng đây là một trò ‘vờn’ nguy hiểm khi cả hai đều muốn xem bên còn lại sẵn sàng đi bao xa”, Tabatabai nói.
Iran từ lâu tìm cách tránh xung đột quân sự lớn với Mỹ. Nước này sở hữu lực lượng chiến đấu mặt đất lớn, nhưng lực lượng không quân và hải quân phần lớn đã lỗi thời, và hạ tầng quân đội cũng như công nghiệp có thể bị sức mạnh không quân của Mỹ phá hủy.
Những gì Tehran có thể làm để trả đũa cái chết của tướng Soleimani là kích động dân quân khắp khu vực, do chỉ huy quá cố lực lượng Quds đào tạo và hỗ trợ, chống lại Mỹ.
Các lực lượng dân quân này bắt đầu leo thang căng thẳng trước cả khi Soleimani bị giết. Hôm 31/12, dân quân Kataeb Hezbollah biểu tình và xông vào đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq.
Không giống Syria, nơi bị Mỹ coi là nước tài trợ khủng bố từ năm 1979, Iraq và Lebanon luôn duy trì thành công thế cân bằng giữa Washington và Tehran. Mỹ đã huấn luyện và tài trợ cho quân đội và lực lượng an ninh hai nước, dù Hezbollah vẫn duy trì ảnh hưởng chiến lược lên chính sách đối ngoại của Lebanon và dân quân thân Iran nắm giữ các vị trí an ninh chủ chốt ở Iraq.
Sự cân bằng đó có vẻ sẽ rơi vào thế khó, nếu không nói là hoàn toàn không thể giữ, sau khi tướng Soleimani chết. Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, Mỹ, Iran và các nước Trung Đông khác không còn buộc phải hợp tác chống lại kẻ thù chung.
Hướng lớn nhất Tehran có thể trả đũa là nỗ lực đẩy Washington khỏi Baghdad, bằng cách tăng cường tấn công cơ sở Mỹ và tạo ra làn sóng phản ứng chính trị chống lại sự hiện diện của nước này ở Iraq.
Quốc hội Iraq sẽ họp và giới chính trị gia hàng đầu kêu gọi trục xuất gần 5.000 lính Mỹ đang được triển khai ở nước này. Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi hôm 3/1 lên án cuộc không kích của Mỹ vi phạm trắng trợn các điều khoản cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên đất Iraq, cũng như vi phạm chủ quyền của Iraq.
“Cách làm công khai và tự cao trong vụ không kích này được thực hiện trên đất Iraq sẽ kích động tâm lý chủ nghĩa dân tộc của người Iraq, khiến họ ngả về phía Iran nhiều hơn”, Ellie Geranmayeh, chuyên gia Trung Đông tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế, nhận xét.
Nếu điều đó dẫn tới việc quân Mỹ rút khỏi Iraq, “nó sẽ hoàn thành tham vọng của Soleimani trong dự án mà ông từng muốn đạt được từ năm 2001: không có dấu giày của Mỹ trong biên giới Iraq”, bà nói.
Có những lực lượng hùng mạnh ở Lebanon và Iraq không muốn đất nước họ phụ thuộc hoàn toàn vào Iran. Họ sẽ quyết tâm chống lại nỗ lực đẩy lùi Mỹ của Iran.
Nhưng người Trung Đông hiểu rằng mục tiêu quan trọng và được Tổng thống Mỹ Trump nhắc đi nhắc lại là rút quân khỏi khu vực. Các nhà môi giới năng lượng của Trung Đông biết rõ bất kỳ ai liên minh với Mỹ đều có thể bị phản bội chỉ sau một đêm, như lực lượng dân quân Kurd tại Syria vài tháng trước.
Còn Iran sẽ chẳng rút đi đâu cả, cho dù có Soleimani hay không.
Theo vnexpress.net