Gói chính sách an sinh xã hội được đưa ra hết sức kịp thời để giảm bớt tác động tiêu cực của cú sốc đại dịch…

Đó là nhận định của PGS.TS Giang Thanh Long – Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội về gói chính sách an sinh xã hội hơn 61.500 tỷ đồng mà Chính phủ sắp triển khai.

Theo PGS.TS Giang Thanh Long, hiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến ngày càng phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và sức khỏe của con người. Trong bối cảnh này, có thể thấy rõ các nhóm dân số dễ tổn thương sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn và Việt Nam cũng không ngoại lệ, thể hiện qua sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế cũng như việc thu hẹp sản xuất của nhiều ngành kinh tế trong nước. “Do đó cá nhân tôi cho rằng việc đưa ra gói chính sách an sinh xã hội của Chính phủ là hết sức kịp thời để có thể giảm bớt những tác động tiêu cực của cú sốc đại dịch này. Tất nhiên, mức bao phủ và tác động của gói chính sách này như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào việc Chính phủ cùng các Bộ, ban ngành và các địa phương triển khai cụ thể ra sao. Dù vậy với những nhóm đối tượng được đề xuất hỗ trợ, tôi cho rằng gói an sinh xã hội này sẽ có những tác động trên diện rộng tới doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn rất khó khăn này”– ông Long nhấn mạnh.

Xoay quanh những khó khăn trong việc đưa gói hỗ trợ này đến tay người dân, PGS.TS Giang Thanh Long cho biết nếu nhìn vào các nhóm đối tượng sẽ nhận hỗ trợ trong giai đoạn này, có thể thấy nhiều nhóm đang có và sẽ tiếp tục được nhận thêm hỗ trợ. Đơn cử trong gói an sinh xã hội có dành hỗ trợ cho người có công, những người đang hưởng bảo trợ xã hội (theo Nghị định 136/2013 của Chính phủ)…; chính vì vậy yêu cầu lúc này là cần nắm rõ được đối tượng và chỉ việc triển khai đưa gói hỗ trợ đến với họ trong hệ thống đang có sẵn. Bên cạnh đó, trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020), gói hỗ trợ cũng dành 1 triệu đồng/hộ/tháng cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh (dự kiến là 760.000 hộ) và 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm (dự kiến là 5 triệu lao động).

Theo nhận định của vị chuyên gia này, khó khăn lớn nhất trong việc đưa gói hỗ trợ hơn 61.500 tỷ đồng đến tay người dân là phải nghiên cứu cách đăng ký hưởng chính sách phù hợp và đảm bảo mọi người có thể tiếp cận được và tiếp cận một cách công bằng với chính sách hỗ trợ này, nhất là với những lao động không có giao kết hợp đồng vì họ không thuộc bất kỳ một hệ thống chính sách an sinh xã hội nào trước đây và cũng không có thống kê chi tiết về công việc, thu nhập… của họ. Chính vì vậy để xác định đúng đối tượng, cần phải có sự phối hợp liên ngành mà trong đó vai trò của cơ quan quản lý ở địa phương là rất quan trọng khi lập danh sách, xác nhận đối tượng thụ hưởng cũng như thực hiện và giám sát, đảm bảo khoản hỗ trợ tới tay người thụ hưởng. Kinh nghiệm trong nhiều chính sách hỗ trợ trước đây cho thấy, sự lỏng lẻo của chính quyền địa phương sẽ dẫn tới hệ quả của việc đưa vào danh sách sai đối tượng (inclusion errors) cũng như loại những đối tượng cần phải hỗ trợ (exclusion errors) ra khỏi danh sách và từ đó gây thất thoát nguồn hỗ trợ.

Xoay quanh chính sách an sinh xã hội đối với những người lớn tuổi, PGS.TS Giang Thanh Long viện dẫn ở tất cả các nước trên thế giới, thống kê đều cho thấy đối tượng người cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người bị nhiễm và tử vong do Covid-19. Nguyên nhân chính là do người cao tuổi có nhiều bệnh nền thuộc dạng bệnh mạn tính (hô hấp, tim mạch, tiểu đường…); khi đã bị lây nhiễm và phải điều trị, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao. “Do đó hướng tới một dân số đang già hóa nhanh hiện nay và sẽ là dân số già trong 2-3 thập kỷ tới, tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng một hệ thống chăm sóc người cao tuổi đa dạng về mô hình – tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc – cũng như phát triển một hệ thống lão khoa đủ lớn về mặt nhân lực (trong đó người chăm sóc là trung tâm) và cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ. Nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta chuẩn bị cho dân số già từ khi còn trẻ, tức là ngay bây giờ cần có và đẩy mạnh những chương trình giáo dục rộng rãi về chăm sóc sức khỏe cá nhân, gia đình và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng. Việc triển khai quản lý một số bệnh mạn tính (như huyết áp, tiểu đường) tại cộng đồng như hiện nay là một bước đi phù hợp, thích ứng dần với dân số cao tuổi ngày càng nhiều hơn” – ông Long khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự cố bất thường như đại dịch Covid-19 hiện nay thực sự là “thuốc thử” cho hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe của những nước thu nhập cao và có tỷ lệ dân số lớn tuổi rất cao. Nó cũng cho những bài học kinh nghiệm với những nước đang già hóa nhanh nhưng mới có mức thu nhập trung bình như Việt Nam. Bài học “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và “không để nước đến chân mới nhảy” luôn có giá trị với tầm nhìn chính sách dài hạn….

Theo BizC.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *