Giáo viên vào buôn giao bài tập cho học sinh

Gần tháng nay, các giáo viên trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cứ một tuần lại vào ba buôn đặc biệt khó khăn để giao, thu bài tập cho học sinh.

19h ngày 21/4, cô Vũ Thị Nhung, giáo viên trường tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea Mdoh, huyện Cư M’gar, cùng chồng trở về nhà sau khi giao bài tập môn Toán và Tiếng Việt cho 9 học sinh ở buôn Cuôr, Ea Mdroh và thôn Hòa Hợp.

Cô Nhung (áo đỏ) giao và hướng dẫn học sinh ở buôn Cuôr làm bài tập.

Đối với những cháu theo bố mẹ lên nương rẫy, chưa gặp được, cô cố gắng ngày hôm sau sẽ thức dậy sớm hơn, vào buôn “bắt” học sinh nhận bài mới và thu bài tập đã giao trước đó. “Công việc tuy vất vả nhưng vì thương những các em vùng sâu, không có điều kiện học trực tuyến trong thời gian nghỉ chống dịch”, cô nói.

Vào đầu tháng 4, cứ ba ngày đầu tuần, buổi sáng từ 7 đến 9h cô Nhung tranh thủ thời gian photo tài liệu, soạn sẵn bài tập mang lên buôn cho học sinh. Buổi chiều từ 16 đến 19h, đêm hôm nguy hiểm, cô nhờ chồng là thầy giáo Mai Văn Chuyền, trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdoh, đi cùng. Ngày chủ nhật cô lại vào thu bài.

Lớp một cô Nhung dạy có 28 học sinh, trong đó 25 em là người dân tộc. Học sinh ở buôn chưa có điều kiện học trực tuyến như các bạn ở thành phố, ngày nghỉ các em còn phải theo bố mẹ lên nương rẫy, đi chăn bò thuê, đời sống vất vả. Nhiều phụ huynh vẫn không chú trọng việc học hành.

Lo sợ học trò quên mất con chữ, nữ giáo viên 32 tuổi phải vào tận nhà cách trường hơn 3 km, để giao bài tập, hướng dẫn các em và nhờ phụ huynh kèm cặp trong thời gian này. “Tôi sẽ cố gắng duy trì việc này đến khi trường mở cửa trở lại”, cô Nhung nói.

Trường tiểu học Bùi Thị Xuân có hơn 842 học sinh, trong đó gần 94% là người đồng bào thiểu số, cuộc sống rất khó khăn nên tất cả giáo viên trong trường đều tham gia bổ trợ kiến thức cho các em bằng nhiều hình thức khác nhau.

Cô Nhung kèm một học sinh tại nhà.

Tương tự như nữ giáo viên Vũ Thị Nhung, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, huyện Cư M’gar cũng tranh thủ đến nhà một số học sinh để kiểm tra, nắm tình hình tự học của các em.

Trong thời gian nghỉ dịch, thầy Tuấn phân công giáo viên của trường đến tận nhà giao bài cho học sinh. Để theo dõi việc triển khai, thầy luôn theo dõi số lượng đề bài phát ra, thu về mỗi tuần để có đánh giá chung về các học sinh.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đăk Lăk cho biết, tỉnh có khoảng 400.000 học sinh, số học sinh người đồng bào thiểu số chiếm 30%. Bậc tiểu học số lượng học sinh tham gia học trực tuyến chỉ đạt 15-20% .

Vì vậy, việc triển khai học trực tuyến và học trên truyền hình đối với học sinh ở vùng xa rất khó để tiếp cận. Thời gian qua, các giáo viên tiểu học ở hai huyện Buôn Đôn và Cư M’gai đã rất vất vả, đi đến buôn làng xa xôi, hẻo lánh để hướng dẫn trực tiếp cho các em.

Việc giáo viên tới nhà giao bài, hướng dẫn cho các học sinh vùng sâu là hình thức phù hợp, sáng tạo thể hiện tinh thần trách nhiệm của quý thầy cô. “Sở rất hoan nghênh cách dạy này để giúp học sinh không quên kiến thức”, ông Khoa nói.

Theo Vnexpress.net

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *