EU trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả gấp đôi ngay lập tức

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc, Bắc Kinh trả đũa ngay bằng việc trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể EU. Trung Quốc yêu cầu EU “sửa chữa sai lầm”.

Nhân viên an ninh canh gác tại cổng một “trung tâm đào tạo nghề” ở huyện Hoắc Thành, Tân Cương – Ảnh: REUTERS

Ngày 22-3, Liên minh châu Âu (EU) đã áp trừng phạt lên 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc vì các hành vi ngược đãi liên quan quyền con người ở Tân Cương. Đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên được EU áp lên Bắc Kinh, kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, theo Hãng tin Reuters.

Bị cáo buộc có dính dáng tới các trại tập trung giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, các cá nhân bị nhắm tới gồm Chen Ming Guo (Trần Minh Quốc), giám đốc Cơ quan Công an Tân Cương. EU nói rằng ông Chen chịu trách nhiệm cho những hành vi “vi phạm quyền con người nghiêm trọng”.

Ba quan chức còn lại là Wang Ming Shan, Wang Jun Zheng và Zhu Hai Lun. Bốn cá nhân này sẽ chịu các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Thực thể Trung Quốc bị EU trừng phạt là Binh đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương (XPCC) – một tổ chức kinh tế và bán quân sự đặc thù tại Tân Cương.

Đáp trả động thái của EU, cùng ngày Trung Quốc công bố quyết định trừng phạt 10 cá nhân EU (gồm các chính khách và học giả), trong đó có chính trị gia Đức Reinhard Butikofer và 4 thực thể mà theo Bắc Kinh đã “làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc” liên quan vấn đề Tân Cương.

Trong tuyên bố phản ứng với động thái của EU, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thúc giục EU “sửa chữa sai lầm” và không can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc. 

Theo Hãng tin AFP, biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đồng nghĩa 10 cá nhân EU trên và gia đình họ bị cấm tới Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau.

Các nhóm nhân quyền và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho rằng có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương.

Truyền thông phương Tây gọi đây là các trại cải huấn/cải tạo chính trị, nhưng phía Trung Quốc nói đây chỉ là các trung tâm đào tạo nghề. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc của phương Tây, nói rằng họ đang thực hiện những biện pháp để chống khủng bố và đào tạo nghề tại đây.

Theo Tuổi Trẻ

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…