Đông Nam Á ngấp nghé bờ vực khủng hoảng Covid-19

Các nước Đông Nam Á đang đối mặt với làn sóng Covid-19 dữ dội, gây áp lực chưa từng có lên hệ thống y tế, đe dọa một viễn cảnh như Ấn Độ.

Làn sóng Covid-19 mới tại Thái Lan bùng phát từ các tụ điểm giải trí ở Bangkok, khiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng kỷ lục vào tháng 4. Virus tấn công vào trại giam, nhóm công nhân xây dựng và các khu vực đông dân cư của thủ đô. Trong đợt dịch thứ ba, số ca Covid-19 tại Thái Lan tăng gấp bốn lần, lên gần 135.000. Trước ngày 1/1, nước này chỉ ghi nhận 7.379 ca.

Tại Malaysia, số ca mắc hàng ngày dao động ở mức hơn 6.000 trong tuần qua. Bộ Y tế dự đoán con số có thể lên tới 8.000 một ngày vào tháng 6. Ngày 25/5, nước này ghi nhận 7.289 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên hơn 525.000. Tỷ lệ người mắc Covid-19 ở Malaysia là 194 trên một triệu người, vượt qua mức 178 trên một triệu ở Ấn Độ.

Tại Philippines, một đợt bùng phát liên quan đến biến thể nCoV bắt đầu vào tháng 12, khiến các bệnh viện bị quá tải. Số ca mắc tăng vọt lên hơn 15.000 ca mỗi ngày, gấp ba lần mức cao nhất của năm 2020. Bệnh viện hết giường, buộc chính phủ phải áp lệnh phong tỏa.

Các hạn chế ở vùng thủ đô Manila và bốn tỉnh lân cận từ ngày 29/3 đến ngày 10/4 đã giảm một nửa số ca nhiễm. Tuy nhiên, có những lo ngại cho rằng một đợt gia tăng khác sẽ không còn xa. Tại một khu vực phía nam của vùng thủ đô – với dân số khoảng ba triệu người – 55% các xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV.

Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC), cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các biến thể đáng lo ngại đang lây truyền trong khu vực này, với đặc tính lây lan nhanh gấp hai lần so với chủng nguyên bản”. Các biến thể bao gồm B117 từ Anh, B1351 từ Nam Phi, chủng P1 từ Brazil và B1617 từ Ấn Độ.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Bangkok, Thái Lan, hôm 8/4. Ảnh: Reuters.

Việt Nam đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư đặc trưng bởi biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ, nhiều ổ dịch cùng lúc, bùng phát mạnh ở khu công nghiệp khiến số ca nhiễm tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây. Số ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 3.052, tại 30 tỉnh thành.

Năm 2020, Campuchia và Lào vẫn an toàn nhờ các biện pháp dập dịch nhanh chóng, nghiêm ngặt. Giờ đây, hai nước đang chứng kiến số ca Covid-19 trong cộng đồng gia tăng theo cấp số nhân.

Các bệnh viện ở Campuchia quá tải đến nỗi Thủ tướng Hun Sen ngày 7/4 yêu cầu giới chức y tế chuẩn bị điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Kể từ tháng 2, số ca nhiễm tại Campuchia đã tăng 50 lần lên 25.205 vào ngày 23/5.

Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị, Myanmar không cập nhật số người mắc Covid-19 hàng ngày một cách nghiêm ngặt như trước.

“Khi nói đến số ca nCoV, Thái Lan và Malaysia sẽ đứng đầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hai nước này có năng lực xét nghiệm cao và hệ thống y tế tốt. Với Campuchia, Lào và Myanmar, hệ thống y tế của họ không phát triển như vậy. Do đó, số ca mắc ngày càng tăng ở những nước này là một vấn đề đáng lo ngại”, ông Abhishek nhận định.

Số ca nhiễm thực tế là bao nhiêu?

Trên khắp Đông Nam Á, số người tử vong do Covid-19 hiện đã lên tới 78.000. Song, con số thực sự có thể cao hơn vì nhiều lý do khác nhau.

Nghiên cứu chỉ ra hơn 70% trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, đồng nghĩa nhiều ca chưa được phát hiện.

“Một số nước nghèo không được trang bị đủ để xét nghiệm, truy vết và cách ly. Do lo sợ bị kỳ thị, nhiều người dân thậm chí tránh đến bệnh viện dù có triệu chứng Covid-19”, tiến sĩ Abhisek cho biết.

Ngày 21/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do Covid-19 trong thực tế có thể cao gấp ba lần so với thống kê chính thức.

Tình hình Đông Nam Á hiện nay tương tự những gì đã xảy ra ở Ấn Độ và Nepal. Chán nản vì đại dịch, nhiều người dân không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch. Tại Malaysia, hàng nghìn người đã cố di chuyển giữa các bang trong lễ hội Hari Raya Aidilfitri, bất chấp các quy định cấm đi lại.

Indonesia có thể chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt lên đến 8.000 ca mỗi ngày vào giữa tháng 6, khi 2,6 triệu người trở về các thành phố lớn sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Dante Saksono hôm 25/3.

Chốt kiểm soát trên cao tốc Kuala Lumpur - Kayrak sau khi Malaysia áp lệnh hạn chế đi lại toàn quốc. Ảnh: AFP.
Chốt kiểm soát trên cao tốc Kuala Lumpur – Kayrak sau khi Malaysia áp lệnh hạn chế đi lại toàn quốc. Ảnh: AFP.

Mục tiêu miễn dịch cộng đồng gặp khó

Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tăng tốc tiêm chủng sau khởi đầu chậm chạp, nhưng tiến độ vẫn chưa nhanh.

Tại Thái Lan, chỉ khoảng 3 triệu người, tương đương 4% dân số, đã được tiêm phòng vaccine Sinovac và AstraZeneca nhập khẩu. Kế hoạch tiêm chủng của nước này bị chỉ trích nặng nề do chủ yếu dựa vào vaccine AstraZeneca sản xuất nội địa, song phải chờ đến tháng 6 mới được sử dụng.

So với hai tuần trước, Malaysia đã tăng gấp ba lượng vaccine được triển khai trung bình trong 7 ngày. Thủ tướng Muhyiddin Yassin, hôm 23/5 cho biết, 80% dân số có thể được tiêm phòng trước cuối năm nay.

Trong khi đó, theo trang Our World In Data, tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia và Philippines lần lượt khoảng 5% và 2% dân số.

Tốc độ tiêm chủng ở Việt Nam tăng mạnh kể từ giữa tháng 4. Chỉ trong 20 ngày, từ 18 đến 28/4, gần 700.000 người nhận liều vaccine đầu tiên. Ngày 26/5, thêm 795 người được tiêm chủng vaccine Covid-19, nâng tổng số tiêm đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố là 1.034.867. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.522 người. Đến nay tỷ lệ đạt khoảng trên 1/% dân số.

Một số công ty, trường đại học ở Việt Nam và Thái Lan đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine nội địa. Song, phần lớn gặp khó khăn trong việc tìm nhà sản xuất có thể đáp ứng tiến độ sản xuất.

Theo dự đoán của Economist Intelligence Unit hồi tháng 4, các nước trong khu vực có thể đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng sớm nhất vào cuối năm sau.

Bài học từ đại dịch cho thấy virus ngày càng tiến hóa và đợt dịch sau thường nguy hiểm, khó lường hơn đợt đầu tiên. Nam Á đang phải gánh hậu quả nặng nề và Đông Nam Á có thể rơi vào kịch bản tương tự nếu các quốc gia không cùng nhau hành động quyết liệt.

“Làn sóng dịch đầu tiên được kiểm soát rất tốt trên toàn châu Á. Tuy nhiên, số ca nhiễm và nhập viện hiện đang tăng kỷ lục ở Nam Á, đẩy hệ thống y tế vào khủng hoảng. Đó là lời nhắc nhở rằng các nước Đông Nam Á phải nỗ lực gấp đôi trong phòng chống dịch. Nếu chậm trễ, chúng ta có thể thấy một tình trạng như ở Nepal hoặc Ấn Độ”, ông Abhishek nhận định.

Theo VNEXPRESS

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…