Doanh nghiệp Việt góp công, góp của chống đại dịch
Không có quốc gia, không có doanh nghiệp. Dù đang khó khăn, các doanh nghiệp vẫn chia sẻ tiền, vật chất và cả công sức để chống dịch.
14 ngày qua, Tổng giám đốc ABC Bakery Kao Siêu Lực đã trực tiếp nghiên cứu công thức làm bánh mỳ dinh dưỡng để tặng các cán bộ y tế, bác sĩ đang chống dịch. Loại bánh này được ông kết hợp từ bột mì đen, khoai lang Nhật và các loại hạt dinh dưỡng… 750 ổ bánh mỳ dinh dưỡng trong 3.000 chiếc của mẻ bánh đầu tiên đã được gửi đến các bác sĩ, cán bộ y tế tại Bệnh viện dã chiến Bình Dương, nơi đang cách ly, điều trị chống dịch. Sẽ còn nhiều những ổ bánh mỳ “siêu dinh dưỡng” khác được gửi tới các y bác sĩ và nhân viên y tế khác.
“Khi đất nước đang khó khăn, ai có tiền góp tiền, ai có sức góp sức. Nếu không có quốc gia thì không có doanh nghiệp”, ông Kao Siêu Lực nói.
Hai ngày cuối tuần trước, Nam – sinh viên Đại học FPT cùng hàng trăm sinh viên, giáo viên trong trường dọn dẹp tới gần sáng, vận chuyển đồ đạc ra khỏi khu ký túc xá. Nơi đây trở thành khu cách ly tập trung của Hà Nội chống dịch từ ngày 24/3.
Ngoài dành khu ký túc xá của sinh viên làm nơi cách ly tập trung, Tập đoàn FPT cũng góp 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, đồ bảo hộ y tế, buồng khử khuẩn… Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT tin rằng “mỗi người gánh vác một ít giúp đồng bào, sẽ giúp giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh”.
Thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VinGroup đề xuất tài trợ gói trang thiết bị y tế, máy móc – hóa chất xét nghiệm nCoV, trị giá 100 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng mua 100 máy thở cao cấp dùng cho xâm nhập và không xâm nhập, 200.000 test Covid-19 của Hàn Quốc… Trước đó tập đoàn này cũng tài trợ 20 tỷ đồng cho các nghiên cứu chống Covid-19. Ông Phạm Nhật Vượng cũng đang có ý định thuê máy bay chở người Việt ở Ukraina về nước.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng trao 4 tỷ đồng để mua dụng cụ y tế, quần áo bảo hộ, kit xét nghiệm và tiền mặt cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Tập đoàn Hòa Phát chuyển 2 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 1) và 3 tỷ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19. Ba tỷ đồng là số tiền Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông qua Mặt trận Tổ quốc, ủng hộ chống dịch Covid-19…
Ngoài chính sách giãn, miễn nợ, kéo dài thời gian trả nợ của các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19, loạt nhà băng như VIB, Sacombank… cũng trực tiếp ủng hộ Chính phủ 10 tỷ đồng tiền mặt ứng phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt đều đang gặp khó khăn do Covid-19. Đơn hàng bị huỷ, nhiều doanh nghiệp phải dừng một phần sản xuất hoặc co cụm lại… doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, họ vẫn cam kết ổn định xã hội, không sa thải lao động lúc này.
Là tập đoàn có lượng lớn công nhân, người lao động, và đang trải qua “khó khăn nhất trong lịch sử”, nhưng ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động, bảo toàn lực lượng. “Đây là bài toán hóc búa với doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may”, ông nói.
Trước mắt tập đoàn này không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ 2 ngày một tuần. Trường hợp khó khăn nữa thì phải giảm số ngày làm việc. “Cả lãnh đạo, công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu. Tinh thần cùng nhau gắn bó vượt qua điểm đáy thị trường”, ông Trường quả quyết.
Tương tự, Vietnam Airlines – doanh nghiệp đang ở tuyến đầu, tâm dịch cũng đang điêu đứng. Tuy nhiên, hãng này cho biết sẽ cố gắng để không phải sa thải nhân viên. Vietnam Airlines cũng chính là hãng hàng không đã cùng Chính phủ thực hiện nhiều chuyến bay nhân đạo đón công dân Việt Nam về nước.
Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn còn tự nguyện giao các khu nghỉ dưỡng cho chính quyền làm nơi cách ly. Cùng với 8 cơ sở lưu trú khác tại TP HCM, resort Phương Nam (huyện Cần Giờ, TP HCM) hỗ trợ 71 phòng với gần 200 giường cho những người có khả năng nhiễm nCoV về cách ly tập trung từ 19/3. “Khi giao toàn bộ cơ sở vật chất cho thành phố làm nơi cách ly tôi không phân vân gì cả. Dịch bệnh mà, cứu người là trên hết”, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc khu nghỉ dưỡng nói.
Tương tự, Công ty cổ phần Du lịch – Dịch vụ Hội An giao 50 phòng khách sạn cho UBND tỉnh Quảng Nam làm khu cách ly chống dịch. Nếu diễn biến dịch phức tạp hơn, công ty sẽ bàn giao các khu còn lại.
Qua chuyện các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch bệnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, khi người dân nhận thấy Chính phủ quyết tâm vì sức khoẻ cộng đồng thì mọi người cùng đồng lòng, sẵn sàng cống hiến hết mình.
“Đừng nghĩ họ giàu có, nhiều tiền thì chi ra một chút cũng không sao. Thực tế, càng tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn thì mức độ chịu tác động bởi dịch bệnh lần này càng nặng nề”, ông nói. Theo chuyên gia này, khó khăn nhưng họ vẫn chung tay với Chính phủ chống dịch, hỗ trợ đối tác để cùng vượt khó, giữ việc, chi trả thu nhập cho người lao động… “Điểm này cần được phát huy trong nhiều hoàn cảnh khác”, ông đề nghị.
Đồng thời, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về khu vực kinh tế tư nhân, những người làm giàu chân chính, lương thiện không nên bị đánh đồng, nhìn bằng cái nhìn kém thiện cảm và thành kiến.
Quỹ Hy vọng thuộc báo VnExpress phát động chiến dịch chung sức với các lực lượng đang ở tuyến đầu chống Covid-19.
Ngoài nguồn tự có, chúng tôi mong muốn nhận quyên góp từ độc giả để tài trợ các trang bị cấp thiết cho những người đang làm việc trực tiếp tại những “điểm nóng” và chịu nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Chúng tôi sẽ trực tiếp điều phối và đảm bảo minh bạch nguồn tài chính này; với mục tiêu duy nhất là đưa trang bị đến những địa chỉ chính đáng.
Không có sự hỗ trợ nào thừa lúc này. Quý độc giả có thể tham khảo các hình thức quyên góp tại đây.
Theo vnexpress.net