Doanh nghiệp dệt may lo “thuế chồng thuế”

Trong khi kiến nghị về thuế VAT của ngành dệt may chưa được giải quyết, thì chính sách nộp thuế nhập khẩu tại chỗ lại một lần nữa khiến doanh nghiệp dệt may đứng ngồi không yên với khoản chi phí phát sinh.

Một đối tượng hàng hoá 2 lần nộp thuế

Thời gian gần đây Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận được nhiều văn bản kiến nghị của doanh nghiệp thành viên về những bất cập trong triển khai quy định nộp thuế nhập khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Cụ thể, theo điểm g, h khoản 6 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP, sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Theo phân tích của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu (thường gọi là FOB) sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế.

Doanh nghiệp dệt may lo “thuế chồng thuế”

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, cho dù, thuế đã nộp sau đó sẽ được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu nhưng vẫn rất bất cập. Chính sách này không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế. Việc chỉ ưu tiên hàng nhập khẩu để gia công xuất khẩu mà không ưu tiên các doanh nghiệp nhập để sản xuất xuất khẩu – một hình thức mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả cao hơn – đã khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn hình thức gia công thay vì tìm cách nâng cao vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, đi ngược lại chiến lược phát triển của ngành.

Những bất cập trong chính sách thuế với ngành hàng xuất khẩu như dệt may từng xảy ra. Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã từng kiến nghị về việc doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu không mất thuế, còn doanh nghiệp sử dụng sợi trong nước khi xuất khẩu phải nộp 10% thuế VAT. Mặc dù, sau khi chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ được hoàn lại 10% nhưng thời gian hoàn thuế cho số tiền DN đã tạm ứng này rất lâu, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị treo một khoản tiền tương đối lớn.

Lãng phí tài chính của doanh nghiệp

Nghị định 18/2021/NĐ-CP chưa triển khai đại trà và mới chỉ thực hiện ở một số đơn vị, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước phản ứng khá gay gắt với chính sách này.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công cho hay: Thực hiện quy định này, doanh nghiệp phải có 1 khoản tiền tạm ứng thuế trước, sau đó mới chờ các thủ tục hoàn thuế lại. Tuỳ thuộc vào khả năng tài chính của các doanh nghiệp nhưng hầu hết phải đi vay ngân hàng để nộp thuế mà đã vay thì phải trả lãi. Trong khi thời gian thực hiện các thủ tục hoàn thuế rất lâu, khoảng 7 tháng và khi hoàn thuế, doanh nghiệp không được hoàn cả số lãi vay. “Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến dòng tiền mà còn gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Ngoài vấn đề tài chính, doanh nghiệp còn phải chuẩn bị nhân lực phụ trách để theo dõi và thực hiện thủ tục hải quan. Như vậy, vừa tốn nguồn lực của doanh nghiệp mà cơ quan Hải quan cũng phải thành lập bộ phận để giải quyết.

Lãnh đạo Công ty CP Tex-Giang cũng khá lo lắng bởi việc phải nộp ngay thuế nhập khẩu. Điều này vô hình chung dẫn đến không khuyến khích doanh nghiệp chủ động sản xuất hàng xuất khẩu mà quay trở lại làm gia công, đồng thời cho thấy sự không công bằng giữa hai loại hình này. Hơn nữa, việc treo tiền thuế trong gần 1 năm là sự lãng phí lớn về tài chính của doanh nghiệp.

Dệt may là một trong những ngành đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, bản thân doanh nghiệp đã rất nỗ lực bươn chải để giữ được đơn hàng. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều gói hỗ trợ nhưng với điều kiện không phù hợp, nhiều doanh nghiệp như Thành Công chưa được thụ hưởng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các quy định gây mâu thuẫn, chồng chéo cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Từ đó, đề xuất phương án xử lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ vướng mắc, góp phần khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho đầu tư, kinh doanh, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hy vọng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sớm được các Bộ, ngành thực hiện hiệu quả, mang lại môi trường pháp lý thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng đồng thời nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước đại dịch.

Theo Công Thương

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…