Điểm danh những doanh nghiệp niêm yết lỗ lớn trong năm 2019

Thời gian qua trên các sàn giao dịch chứng khoán có hàng loạt doanh nghiệp bị cảnh báo, ngừng giao dịch, buộc phải hủy niêm yết, rời sàn vì thua lỗ liên tiếp. Trong số 50 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2019 có những doanh nghiệp báo lỗ lên tới cả trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng

Ba “ông lớn” và khoản lỗ nghìn tỷ…

Đầu tiên không thể không nhắc đến khoản lỗ “khủng” của HAGL Agrico (HNG). Trong năm 2019, do không còn hợp nhất doanh thu từ các công ty cao su và doanh thu từ ớt, bò thịt, bất động sản, HAGL Agrico báo doanh thu giảm gần phân nửa so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế âm hơn 2.308 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 659 tỷ đồng năm 2018. Lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2019 đã là hơn 2.206 tỷ đồng.

Về phía Hoàng Anh Gia Lai (HAG), luỹ kế cả năm 2019 Tập đoàn này ghi nhận doanh thu 2.099 tỷ đồng do giảm đáng kể nguồn thu từ bò, thuỷ điện, bất động sản… Tiếp tục đánh giá lại tài sản cũng như chuyển đổi chi phí khiến Hoàng Anh Gia Lai báo lỗ sau thuế hơn 1.609 tỷ đồng. Tuy nhiên do cổ đông thiểu số chịu lỗ nên công ty vẫn ghi lãi cổ đông công ty mẹ hơn 253 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Một tiêu điểm khác chính là khoản lỗ nghìn tỷ của Thủy sản Hùng Vương (HVG) trong niên độ tài chính 2019 – 2020. Trong báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất 2019, Thủy sản Hùng Vương công bố số lỗ ròng 1.075 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với khoản lỗ 476 tỷ đồng ở báo cáo tự lập, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/9/2019 là 1.489 tỷ đồng và nợ ngắn hạn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn. Bên cạnh khoản lỗ lớn Thủy sản Hùng Vương còn bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Trong bối cảnh thua lỗ lớn như trên, đáng chú ý cả HAGL Agrico, Hoàng Anh Gia Lai và Thủy sản Hùng Vương đều đang có mối hợp tác mới với THACO. Năm 2019 THACO đã thành lập Công ty cổ phần Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Đông Dương (THADI) có vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư đến nay là 11.000 tỷ đồng. THADI đang sở hữu tổng diện tích đất 29.600 ha (mua lại từ HAGL Agrico) trồng cây ăn trái và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt. Đồng thời, chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HAGL Agrico với diện tích cây ăn trái 26.500 ha.

THADI cũng công bố hợp tác với Thủy sản Hùng Vương thông qua rót vốn trực tiếp (35%) đồng thời thành lập liên doanh nuôi heo giống (THADI rót 65% vốn). Trong đó, liên doanh THADI – Thủy sản Hùng Vương đầu tư nuôi heo giống với quy mô 45.000 trong năm 2020, tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng (tại An Giang và Bình Định).

Thông qua những cái “bắt tay” chiến lược trên kỳ vọng sẽ tạo đà tăng trưởng kinh doanh cho cả HAGL Agrico và Thủy sản Hùng Vương trong năm 2020; trong đó Thủy sản Hùng Vương kỳ vọng có thể đạt mức doanh số ở vùng 8.000 – 10.000 tỷ đồng và quay lại mức doanh số 20.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020, mục tiêu lãi dự kiến đạt 720 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay hậu bắt tay với THADI.

…Đến chủ nhân của những khoản lỗ trăm tỷ

Nằm trong nhóm 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) cho đến nay vẫn tiếp tục chìm trong nợ nần và thua lỗ với số lỗ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, khiến vốn chủ sở hữu đang bị âm hàng trăm tỉ đồng. Dấu hiệu sa sút về tình hình tài chính của Đạm Hà Bắc càng rõ nét trong quý IV/2019 khi doanh nghiệp này báo lỗ thêm hơn 217 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ lỗ gần 45 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2019 Đạm Hà Bắc lỗ tới 636 tỷ đồng trong năm, gấp hơn 2 lần so với kết quả lỗ năm 2018. Kết quả kinh doanh thua lỗ những năm gần đây khiến vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc vào cuối năm 2019 là con số âm hơn 516 tỉ đồng, so với con số 119,1 tỉ đồng hồi đầu năm nay. Không chỉ liên tục thua lỗ trong nhiều năm qua, Đạm Hà Bắc đang phải đối diện với áp lực về vay nợ, trả lãi, khiến kiểm toán đặt nghi vấn về khả năng hoạt động của Công ty.

Về phía Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 với mức lỗ ròng gần 323 tỷ đồng. Tổng kết năm 2019, TTF ghi nhận 738 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 29% so với năm trước, chỉ thực hiện được 35% kế hoạch năm. Lỗ ròng của Công ty trong cả năm 2019 lên đến hơn 804 tỷ đồng.

Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 với doanh thu 435 tỷ đồng, giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Luỹ kế cả năm, Yeah1 ghi nhận 1.449 tỷ đồng doanh thu, trong đó quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 1.050 tỷ đồng, quảng cáo trên truyền hình cũng góp phần đáng kể nguồn thu Tập đoàn với hơn 326 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Yeah1 báo lỗ ròng cả năm gần 372 tỷ đồng, nâng khoản lỗ luỹ kế lên 292 tỷ đồng. Từ sau khủng hoảng Youtube, Yeah1 đã thực hiện nhiều thay đổi từ các vị trí điều hành doanh nghiệp cho đến định hướng chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên cho đến nay Yeah1 vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng tiếp theo.

Lũy kế cả năm 2019, Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVX) đạt 1.939 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 42% so với cùng kỳ; sau khi trừ chi phí PVX lỗ ròng198 tỷ đồng. Hai năm liền trước, doanh nghiệp này cũng đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỷ đồng năm 2017 và 414 tỷ đồng năm 2018. Theo đó tính cả năm 2019 số liệu chưa kiểm toán, PVX sẽ có ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm. Đây là một trong các điều kiện khiến các doanh nghiệp phải hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 58/2012.

Tại Agifish (AGF), báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán cho thấy năm 2019 tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 806,8 tỷ đồng, giảm 37,2% so với năm trước đó, số lỗ ghi nhận là 111,7 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Agifish rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề. Tính đến cuối năm 2019, tổng lỗ lũy kế của Agifish đã lên 382 tỷ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ thực góp của công ty là 281 tỷ đồng. Do thua lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu của Agifish thuộc trường hợp bị kiểm soát đặc biệt theo quy định và bị Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM cảnh báo hủy niêm yết. Tuy nhiên chưa tính đến điều kiện lỗ 3 năm liên tiếp thì mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM cũng đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu AGF với lý do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp, ngày có hiệu lực nhằm 17/2/2020.

Công ty CP BOT Cầu Thái Hà (BOT) công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 với số lỗ hơn 41 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm lên gần 170 tỷ đồng. Sheraton Đà Nẵng (BDP) báo năm 2019 lỗ ròng 143,5 tỷ đồng trong khi năm 2018 cũng đã báo lỗ 178 tỷ đồng. Đối với Công ty CP Công nghiệp – Dịch vụ – Thương Mại Ngọc Nghĩa (NNG), khoản lỗ lớn trong quý 4 khiến lũy kế cả năm 2019, Ngọc Nghĩa lỗ ròng 350 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 353 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Ngọc Nghĩa báo lỗ kể từ khi niêm yết. Ngoài ra danh sách doanh nghiệp lỗ trăm tỷ còn có sự góp mặt của 2 doanh nghiệp vận tải biển NOS và VST. Đây đều là những doanh nghiệp thua lỗ triền miên trong nhiều quý vừa qua.

Trong 17 doanh nghiệp thua lỗ lớn trong năm 2019 thì có tới 16/17 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ, trong số đó có 10/17 doanh nghiệp đã lỗ cả trong năm 2018 và nếu xét đến kế hoạch kinh doanh được đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thì 9/17 doanh nghiệp đặt mục tiêu có lãi thậm chí như Pomina còn dự tính lãi tới 400 tỷ đồng.

Theo BizC.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *