Covid-19 tấn công ‘thành trì mệt mỏi’ châu Á

Dù chống Covid-19 tốt hơn Mỹ và châu Âu, châu Á đang đối mặt làn sóng đại dịch thứ ba, một phần do người dân mỏi mệt sau cuộc chiến dài hơi.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong tuần qua đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát Covid-19. Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, giới chức yêu cầu đóng cửa quán bar và hộp đêm, hạn chế dịch vụ dùng bữa trong nhà hàng và quán cà phê, sau khi quyết định nới lỏng hạn chế trước đó được cho là nguyên nhân khiến nCoV lây lan trở lại.

Đặc khu Hong Kong cũng đóng cửa các quán bar và hộp đêm, vài ngày sau khi giới chức hoãn việc khởi động “bong bóng du lịch” với Singapore, một hình thức thử nghiệm rất được mong đợi, trong đó những nơi có tỷ lệ lây nhiễm nCoV thấp hợp tác với nhau để tạo điều kiện du lịch cho người dân mà không cần cách ly.

Châu Á từng được ví như một “thành trì” trước Covid-19, khi các quốc gia, vùng lãnh thổ ở đây ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây. Số ca nhiễm mới trung bình tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong gần đây lần lượt là 2.000, 300 và 73 ca, trong khi Mỹ đang ghi nhận hơn 150.000 ca mỗi ngày.

Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm này vẫn đủ cao để gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm do đại dịch, đặc biệt ở nơi nhiều người cao tuổi như Nhật và trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn vào mùa đông đã đến.

Những người biểu tình phản đối đeo khẩu trang tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 21/11. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia nhận định tâm lý mệt mỏi vì đại dịch là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của làn sóng Covid-19 thứ ba. Sau nhiều tháng chung sống với các lệnh hạn chế, kết hợp với tình hình có vẻ đã được kiểm soát một thời gian, người dân dần trở nên lơi lỏng với những quy tắc, chán nản vì phải ở nhà và thờ ơ trước nguy cơ gặp rủi ro.

Tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, người dân vẫn đeo khẩu trang khi đi trên đường phố. Tuy nhiên, lúc vào các nhà hàng và quán bar đông người, họ lại cởi khẩu trang ra và bỏ sang một bên.

“Những biện pháp kiểm soát của chúng tôi dựa vào sự thay đổi hành vi tự nguyện”, Hitoshi Oshitani, giáo sư Đại học Tohoku và là thành viên nhóm cố vấn Covid-19 của chính phủ Nhật, cho biết. “Việc thuyết phục người dân thay đổi ngày càng khó khăn. Ngay cả khi số ca nhiễm nCoV mới cao hơn nhiều so với tháng 3 và tháng 4, mọi người vẫn tỏ ra khá thoải mái”.

Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kang Do-tae hôm 24/11 cảnh báo về sự kết hợp giữa ba yếu tố khiến nCoV lây lan mạnh hơn, bao gồm các ca nhiễm không triệu chứng, sự lây truyền trong cộng đồng người trẻ tuổi và thời tiết lạnh hơn, khiến virus phát triển mạnh vì người dân tăng cường hoạt động trong nhà.

“Sự phát triển không thể lường trước của làn sóng Covid-19 thứ ba báo hiệu một mùa đông thậm chí khắc nghiệt và khó khăn hơn”, Kang phát biểu trước các quan chức chính phủ Hàn tại một cuộc họp để thảo luận về phản ứng với đại dịch.

Giới chuyên gia cho rằng tâm lý thờ ơ ngày càng nguy hiểm khi dịch cúm đang dần đến đỉnh điểm, khiến các giường bệnh không còn chỗ trống. Bên cạnh đó, những sai lầm về chính sách cũng khiến virus “thừa cơ” lây lan rộng hơn.

Để giải cứu nền kinh tế khỏi sự lao dốc kỷ lục, chính phủ Nhật đã tiến hành các chương trình trợ cấp du lịch và ăn uống, lần lượt vào tháng 7 và tháng 10, trong đó hoàn trả cho người tiêu dùng tới một nửa chi phí vé máy bay, khách sạn, nhà hàng và những khoản chi khác. Chiến lược này giúp “hồi sinh” đáng kể các ngành công nghiệp sa sút vì đại dịch, nhưng cũng tạo điều kiện để nCoV len lỏi vào những ngóc ngách mới trên đất nước.

Hôm 23/11, thống đốc Hokkaido và Osaka tuyên bố sẽ rút các thành phố thủ phủ của họ khỏi chương trình trợ cấp, quyết định được chính phủ trung ương chấp thuận vào hôm sau. Thống đốc Tokyo Yuriko Koike hôm 24/11 cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại.

“Rõ ràng việc di chuyển của người dân đang tác động đến tình trạng gia tăng số ca nhiễm nCoV. Theo quan sát của chúng tôi, virus lây lan trong lúc mọi người ra ngoài ăn uống, sau đó được đưa về các hộ gia đình, nơi có thành viên cao tuổi của gia đình, đối tượng mà khả năng miễn dịch thấp hơn”, bà Koike phát biểu trong họp báo.

Trong khi đó, phe đối lập đổ lỗi cho chính phủ hành động quá chậm chạp. Nhà báo kỳ cựu Yoshimasa Suenobu, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Tokai, so sánh chiến lược của chính phủ Nhật với việc lái xe “mà không nghĩ đến cách phanh lại”. “Một chiếc xe không thể hoạt động tốt nếu chân ga và phanh không hiệu quả tương đương nhau”, ông trả lời trên truyền hình.

Tại Hàn Quốc, đất nước được ca ngợi là hình mẫu chống dịch hiệu quả, giới chức tiếp tục chiến đấu với các đợt bùng phát nhỏ nhưng dai dẳng. Tuy nhiên, do đánh giá làn sóng Covid-19 thứ hai đã được kiểm soát, chính phủ quyết định nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội từ tháng trước. Chỉ trong hai tuần qua, hơn 60 cụm dịch xuất hiện khắp đất nước, bao gồm tại trường học, căn cứ quân sự và nhà thờ.

“Sự lây nhiễm từ hai làn sóng đầu tiên để lại những nguy cơ còn kéo dài trong cộng đồng. Chúng sẽ bùng phát khi các quy tắc giãn cách xã hội được dỡ bỏ mà không có sự chuẩn bị thích hợp. Khác với tình trạng lây lan xuất phát từ một vài cụm dịch lớn như trước đây, làn sóng thứ ba bao gồm hàng chục cụm nhỏ, khó truy vết hơn”, Kim Yoon, giáo sư y khoa tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết.

Tại Hong Kong, một cụm dịch bắt nguồn từ các câu lạc bộ khiêu vũ đã phá vỡ thành tích không ghi nhận, hoặc ít ca nhiễm nCoV trong cộng đồng suốt nhiều tuần. Đây là một trong những cụm dịch lớn nhất từng xuất hiện ở Hong Kong, với hơn 130 ca nhiễm đã được báo cáo.

Chính quyền đặc khu dường như đã chậm trễ trong việc vá các lỗ hổng có thể mở đường cho virus xâm nhập, như công tác cách ly người dân trở về từ nước ngoài được tiến hành lỏng lẻo. Họ bắt buộc phải bị cách ly 14 ngày, nhưng vẫn có thể gặp khách tới thăm. Tương tự Nhật Bản, người dân Hong Kong cũng tỏ ra mất kiên nhẫn và buông xuôi.

“Video và hình ảnh tại các câu lạc bộ khiêu vũ cho thấy người dân hoàn toàn không tuân thủ những quy định phòng dịch. Có vẻ làn sóng lây nhiễm mới sẽ khá nghiêm trọng”, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu hôm 24/11.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post).

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *