Công nghiệp chế biến chế tạo: Tự tin vượt sóng dữ
9 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp vẫn có những gam màu sáng với tín hiệu tích cực từ một số ngành mũi nhọn, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là đầu tàu cho tăng trưởng của toàn ngành.
Duy trì đà tăng
Theo báo cáo 9 tháng của Bộ Công Thương, do chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài khiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp vẫn đang duy trì đà tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,17% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 6% và khí đốt tự nhiên giảm 17,6%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, ước tính tăng 5% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng năm 2021, IIP ước tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thống kê trên cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điểm nổi bật là cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là ngành “hấp dẫn” khi liên tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,47 tỷ USD, chiếm 43,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp tục phục hồi và tăng tốc sản xuất
Dự báo về tình hình sản xuất công nghiệp thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, từ tháng 10/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan như hiện nay, các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì công nghiệp trong quý IV/2021 sẽ tăng trưởng cao hơn quý III/2021.
Đối với địa phương như TP. Hồ Chí Minh, theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đến nay công tác kiểm soát dịch đã có những tín hiệu tích cực, đây là cơ sở để cho thành phố có thể tiến tới nới lỏng giãn cách xã hội và thực hiện lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang phục hồi tương đối tốt, nếu vài tháng trước chỉ có 102/431 doanh nghiệp sản xuất chế biến công nghiệp, đến nay đã tăng lên 190 doanh nghiệp. Công suất sản xuất của các doanh nghiệp đang đạt khoảng 40-50%, dự kiến đến hết quý IV/2021 công suất sẽ tăng lên 80%. Có thể thấy, các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “4 tại chỗ” đang nỗ lực phục hồi sản xuất, không để mất đơn hàng.
Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành Công Thương đặt ra ban đầu (IIP tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất.
Theo Công Thương