Công bố dịch Covid-19 trên cả nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 về việc công bố dịch Covid-19 trên cả nước.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 về việc công bố dịch Covid-19 trên cả nước và yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân.
“Nhà nào ở nhà đó”
Thủ tướng yêu cầu, trừ trường hợp đặc biệt, công vụ đặc biệt hoặc các bệnh viện, cửa hàng, siêu thị, cơ sở sản xuất phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân…, nói chung là ở nhà, làm việc trực tuyến. Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà qua máy tính, hạn chế đến cơ quan, trừ các trường hợp trực, không thể vắng mặt.
“Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu ngành giao thông, công an có biện pháp dừng cơ bản giao thông công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. “Chúng ta không có biện pháp mạnh thì không thể thực hiện được “giờ vàng” ngăn ngừa dịch lây lan. Thần tốc là ở chỗ này, không thể chủ quan”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm hàng hóa, lương thực thiết yếu, không để người dân quá khó khăn.
Lo an sinh xã hội cho dân
Về an sinh xã hội cho người dân, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ bàn vấn đề này vào ngày 1.4; trước hết là đối với người thu nhập quá thấp, ngân sách T.Ư và địa phương sẽ cố gắng hỗ trợ. Mức và đối tượng cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ sắp đến. Thủ tướng cũng nhắc nhở ngành công an cần có phương án đảm bảo an ninh trật tự, nhất là vùng nông thôn khi người mất việc ở thành thị có thể quay về.
Đối với các vấn đề cụ thể, như: kiến nghị cho phép Bệnh viện (BV) Bạch Mai tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân (BN) nặng cấp cứu, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và lưu ý BV phải tổ chức thực hiện chặt chẽ, trên cơ sở bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cho BN.
Tương tự, với các BV khác, Bộ Y tế cần có quy định để tránh trường hợp lây nhiễm. Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tách riêng khu cách ly cũ và mới để tránh lây nhiễm chéo giữa người cũ và người mới vào khu cách ly.
Công bố 15 ca bệnh mới
Cùng ngày 30.3, Bộ Y tế đã công bố 15 ca mắc Covid-19 mới (BN 189 đến 203), điều chỉnh thông tin 2 ca bệnh do nhầm lẫn. 14/15 ca bệnh mới có liên quan đến BV Bạch Mai – ổ dịch phức tạp nhất cả nước hiện nay. Đến thời điểm này, cả nước đã có 203 ca mắc Covid-19.
Trong số các BN mới, có 13 người là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống cho BV Bạch Mai. Các trường hợp này được cách ly, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh và có tình trạng sức khỏe ổn định. Thông tin của các ca bệnh chưa có quê quán được Bộ Y tế cho biết “sẽ cập nhật sau”.
Ngoài ra, có 1 BN khác liên quan đến BV Bạch Mai, nhưng không phải nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh là BN 197 (nam, 41 tuổi, trú tại khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, H.Thanh Oai, Hà Nội). Một BN khác không liên quan đến Bạch Mai được công bố là BN 203 (nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đi từ Hy Lạp về trên chuyến bay TK162, số ghế 21A, quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và về TP.HCM ngày 17.3).
Đồng thời, do nhầm lẫn, trong thông tin báo chí phát hành chiều 29.3, Bộ Y tế đã để trùng BN 184 với BN 173 đã công bố trước đó và sai chi tiết của BN 185. Do đó, Bộ Y tế thay vào vị trí BN 184 là nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại Diễn Vạn, H.Diễn Châu, Nghệ An, nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Bộ Y tế điều chỉnh thông tin của BN 185 là nam, 38 tuổi, địa chỉ tại Đông La, H.Hoài Đức, Hà Nội. BN vào chăm anh rể điều trị tại Khoa Thần kinh, BV Bạch Mai các ngày 15 – 16.3 và 18 – 19.3, trong đó có ít nhất 2 lần qua căng tin của BV để ăn và mua đồ.
Tính đến thời điểm cuối ngày hôm qua, tổng số ca mắc Covid-19 tại Công ty TNHH Trường Sinh phát hiện đến hết ngày 30.3 là 22 ca. Tổng số ca Covid-19 liên quan đến BV Bạch Mai là 33 ca.
Đề xuất thưởng 500 triệu đồng cho y, bác sĩ tuyến đầu
Ngày 30.3, Bộ Y tế đã đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thưởng nóng 500 triệu đồng cho BV Bệnh nhiệt đới T.Ư nhằm động viên tinh thần các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tổng hợp của 22 cơ sở điều trị khám, chữa bệnh Covid-19, thì đến ngày 30.3 đã có 30 BN được công bố khỏi bệnh theo Tiêu chuẩn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Trong đó, có 27 BN được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và 3 BN tại BV dã chiến Củ Chi (TP.HCM) được xuất viện.
Đáng chú ý, sức khỏe 4 BN nặng đã có tiến triển tốt hơn, trong đó, BN số 26 đã bỏ máy thở, rút nội khí quản; 3 BN còn lại tình trạng ổn định, tiến triển tốt lên.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang ở cấp độ 3
Sáng 30.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 tổ chức hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, TP về nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong phòng chống dịch.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có 3 yếu tố liên quan đường lây dịch Covid-19 tại Việt Nam. Thứ nhất, theo tổng hợp sơ bộ, khoảng 70% BN mang mầm bệnh từ nước ngoài về. Thứ hai, là phụ thuộc vào việc phát hiện người bệnh nhiễm vi rút và thực hiện cách ly. Thứ ba, là phụ thuộc vào điều trị BN Covid-19, liên quan lây nhiễm trong cơ sở điều trị.
Ông Đỗ Xuân Tuyên đánh giá Việt Nam hiện có 2 ổ dịch lớn là bar Buddha (TP.HCM) và tại BV Bạch Mai (Hà Nội). Riêng tại BV Bạch Mai có 3 tâm dịch, là: Trung tâm bệnh nhiệt đới, Khoa Thần kinh và khu vực nhà ăn do Công ty TNHH Trường Sinh cung cấp dịch vụ hậu cần. Đây là những nơi đã phát hiện các BN Covid-19. Từ các nhóm nguy cơ cao nêu trên, nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ ra cộng đồng, nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Ở Việt Nam, dịch đã chuyển sang cấp độ 3.
Theo Bộ Y tế, dịch ở cấp độ 1 là khi có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2: dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; và cấp độ 3: dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước.
Theo thanhnien.vn