Cơ hội nâng cao chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ – Theo chia sẻ từ các cán bộ quản lý, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học đã cụ thể hóa các vấn đề “nóng” của giáo dục đại học (GDĐH). Đây là cơ sở quan trọng để các trường đại học phát triển bền vững và nâng cao chất lượng GD-ĐT…

Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đổi mới để không bị đào thải

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, Nghị định đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học. Một số vấn đề “nóng” về giáo dục đại học trong thời gian qua như thành lập đại học, hội đồng trường, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, văn bằng chứng chỉ giáo dục đại học, tự chủ đại học… được quy định chi tiết trong Nghị định này. Theo Nghị định, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm cả bằng cử nhân lẫn bằng kỹ sư… Như vậy, các văn bằng khác ngoài bằng cử nhân vẫn còn tồn tại chứ không phải bị “xóa sổ” như dư luận đưa ra trước đó.

GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: Hệ thống văn bằng được quy định cụ thể và rất rõ ràng như bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Văn bằng có trình độ tương đương bao gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ. Trước đây, Luật Giáo dục 2012 không hề đề cập đến văn bằng có trình độ tương đương, chỉ quy định: Văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm: Bằng tốt nghiệp cao đẳng, tốt nghiệp đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Nếu trường nào không đổi mới, không đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ bị đào thải trong cuộc cạnh tranh. Song song đó là sự quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT, tuy giao quyền tự chủ nhưng các trường phải tuân thủ những quy định, nếu trường nào vi phạm sẽ bị chế tài.

GS Võ Tòng Xuân

Giáo sư Võ Tòng Xuân tâm đắc nhất chính là vấn đề tự chủ đại học. Cụ thể, cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định như: Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; Tổ chức bộ máy và nhân sự; Tài chính và tài sản; Trách nhiệm giải trình. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các trường đại học được tự do trong học thuật, chương trình đào tạo, sử dụng nhân sự, tài chính…

Cú hích cho sự phát triển các đại học lớn

TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM

Theo chia sẻ của TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Bộ GD&ĐT cùng các trường, cơ sở giáo dục rất mong chờ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Chính phủ.

Theo TS Trần Đình Lý, những điều khoản quy định về hội đồng trường trong mối quan hệ tổng thể là điều mà các trường trông chờ và mong đợi nhất vì đây là bước đầu tiên và cũng thể hiện sự thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy hoạt động của trường đại học. Thời gian qua, mặc dù luật đã quy định rõ một số quy định, đặc biệt là tổ chức nhân sự, chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường – khởi đầu cho nhân sự các tổ chức khác, mặc dù Bộ GD&ĐT và các trường thực hiện đúng quy định của luật nhưng đều phải chờ Nghị định.

“Việc phát triển trường đại học thành đại học hoặc liên kết các trường đại học thành đại học sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển các đại học lớn, đủ tầm vóc, vị thế để cạnh tranh, xếp hạng quốc tế… Đây là điều tích cực về chính sách và tạo hành lang pháp lý để phát triển đại học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện tại và tương lai”, TS Trần Đình Lý nhấn mạnh.

Cũng theo TS Trần Đình Lý, một lĩnh vực rất quan trọng, quan trọng đến mức mà khi nói đến tự chủ, rất nhiều người luôn tự nghĩ là tự chủ tài chính. Hiện vẫn còn một số băn khoăn về tự chủ tài chính và tự chủ về tổ chức nhân sự vì còn phải chờ các nghị định liên quan khác chưa ban hành nên cơ quan chủ quản và các trường, cơ sở giáo dục đại học chưa thể chủ động thực hiện được… Luật thực thi, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm thực sự chắc chắn sẽ giúp việc phân vai hợp lý, giảm sự chồng chéo, cơ sở chịu trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động tuyển sinh, tổ chức bộ máy, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong khâu tuyển sinh – liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của trường (gọi là sự sống còn), việc xác định năng lực tuyển sinh, năng lực đào tạo, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh và các điều kiện đáp ứng theo nhu cầu xã hội và theo quy định của pháp luật sẽ làm cho các cơ sở GD – ĐT vừa tự chủ vừa tự chịu trách nhiệm là cần thiết. Đồng thời, trách nhiệm tự giải trình trước Bộ GD&ĐT cùng với tăng cường khâu thanh, kiểm tra cũng như các hoạt động phòng ngừa cũng quan trọng.

Theo Giaoducthoidai.vn

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *