Chuyện “ông xé rào” biến vùng lau sậy thành cảng biển
Ông Đoàn Duy Thành được mệnh danh là “ông xé rào” với nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ ngay trong “Đêm trước đổi mới”.
Từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), ông Đoàn Duy Thành được mệnh danh là “ông xé rào” với nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ ngay trong “Đêm trước đổi mới”. Với những quyết định táo bạo, ông đã đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước những năm đầu đổi mới.
Nhìn xa cho cả đường dài
Sinh năm 1929, năm nay đã ở tuổi 92, dù sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng ông Đoàn Duy Thành vẫn còn minh mẫn. Ông vẫn nhớ, kể rành rọt những ngày tham gia cách mạng, bị bắt giam rồi tham gia cuộc vượt ngục khỏi nhà tù Côn Đảo, những ngày ông làm lãnh đạo TP Hải Phòng, rồi làm Bộ trưởng Bộ Công thương hay khi làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng…
rong cuộc trò chuyện với ông, PV Báo Giao thông được nghe câu chuyện về việc đặt những nền móng đầu tiên xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng nổi tiếng với những cảng biển góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ của địa phương, mà của vùng và của cả nước.
Theo nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, thời điểm những năm 1980, bán đảo Đình Vũ là rừng ngập mặn cách trung tâm thành phố chừng 10km, không có đường bộ nối thông, nên được coi như “hoang đảo”, ngập toàn lau sậy. Lúc đó, đang là Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ông Thành đưa ra ý tưởng tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14.
Nhiều người cho rằng, đó là ý tưởng quá lạ lùng, bất khả thi. Nhưng với sự kiên trì thuyết phục của vị Chủ tịch thành phố, công cuộc đắp đập Đình Vũ, làm đường 14 được thông qua và triển khai.
Sau nhiều năm, con đường bé như con lươn bò giữa rừng sú vẹt Đình Vũ cũng hoàn thành. Đó chính là con đường ven biển sau này, nối từ nội thành ra đảo Đình Vũ. Từ đó, diện tích lấn ra biển ngang với huyện Tiên Lãng và giờ đây đã trở thành khu vực cảng biển sôi động nhất miền Bắc với những công trình, dự án nổi tiếng cả nước.
“Tương lai của Hải Phòng là phát triển ra biển, với kinh tế biển là nòng cốt. Đình Vũ là “chìa khoá” mở cánh cửa ra biển cho Hải Phòng, cho miền Bắc và cho cả nước. Xây dựng đường xuyên đảo là bước đầu tiên, quan trọng nhất”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, ở phường Tràng Cát, quận Hải An (Hải Phòng) nhớ lại: “Mấy chục năm trước, không có đường ra Đình Vũ, đó chỉ là rừng sú, vẹt mà người dân chúng tôi ra bắt cua, cá, còng.
Cả khu vực rộng hàng trăm ha đó tuyệt nhiên không có người ở. Ngày nay, khu vực Đình Vũ – Cát Hải của Hải Phòng nổi tiếng là khu vực cảng biển sôi động nhất miền Bắc. Nơi đây có cầu Tân Vũ – Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam), Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và hàng loạt cảng biển, doanh nghiệp lớn…”.
Với người dân 2 xã Hải Thành và Tân Thành (nay đều là các phường thuộc quận Dương Kinh) thì không ai không biết về nguồn gốc tên xã của mình, đó là tên đặt theo “người khai sinh” Đoàn Duy Thành. Bởi khi ông Thành quyết định đắp đê đường 14, mới thành lập thêm được hai xã Hải Thành và Tân Thành.
Người cựu Bí thư Thành uỷ Hải Phòng còn ghi dấu ấn với chủ trương đột phá cơ sở hạ tầng để phát triển. Ông vẫn thường nhắc: “Bốn cống ba cầu năm cửa ô/Quai đê lấn biển dựng cơ đồ” khi tiên phong xin Trung ương cho địa phương kinh doanh vận tải biển, khởi xướng phong trào “Ngói hoá nông thôn”… Nhờ việc làm táo bạo của ông Thành, nhiều người dân Hải Phòng sớm có xe đạp mini Nhật, xe máy Honda Cub 81, 82, cúp DD, DE “kim vàng giọt lệ” để đi…
Phá rào “khoán hộ”
Cảng Đình Vũ đang từng bước trở thành một cảng mới hiện đại, tầm cỡ khu vực
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Đoàn Duy Thành là khi ông quyết định trở thành “người xé rào” cơ chế khoán. Trở lại thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Thời kỳ bao cấp người dân đói ăn liên miên nhưng ruộng đồng lại bỏ hoang quá nhiều. Kinh tế bao cấp khiến cho người nông dân nảy sinh tâm lý “làm cho có”, gõ kẻng ra đồng, chống cuốc chờ giờ kẻng hết giờ thì về.
“Tôi đi thị sát về xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy (nay thuộc quận Dương Kinh) về thì thấy cảnh 3 cháu nhỏ nằm đói lả trên giường. Tôi hỏi bí thư xã sao lại để tình hình như thế thì các anh ấy trả lời quẩn quanh là vì ruộng đồng kém năng suất, rồi lại đổ cho nông dân bỏ ruộng, lười lao động… Tôi nói tài xế của mình về nhà lấy gạo, nấu cơm ngay cho bọn trẻ. Cán bộ xã sợ quá, vội xin lấy gạo kho hợp tác xã để cứu đói cho dân”, ông Thành nhớ lại.
Tâm lý trì trệ không chỉ trong nhân dân mà còn quá nặng nề trong suy nghĩ của những cán bộ ở nhiều địa phương. Có lần ông Đoàn Duy Thành về kiểm tra tình hình tại một xã, bí thư xã nhiệt tình mời ông về nhà báo cáo: “Tôi rất tự hào trên 30 năm tham gia cách mạng, đến nay tôi cũng chỉ có một gian nhà tranh, vách đất và cái giường ba xà…”. Ông Thành lập tức nói: “Tôi tưởng đồng chí khoe với tôi là cả xã đều có nhà xây, có tiện nghi… và đồng chí cũng vậy thì mới đáng tự hào. Chứ hoà bình bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn nghèo như thế này là chúng ta dốt, ai còn theo chúng ta…”.
Quyết tâm đổi mới, ông về tỉnh Vĩnh Phúc học hỏi mô hình “khoán hộ” của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc. Ông quyết tâm tham mưu với lãnh đạo Trung ương và thành phố là phải thay đổi cách quản lý nông nghiệp thì mới có thể làm chuyển biến tình hình.
“Tôi đem vấn đề này bàn với Bí thư Thành ủy Bùi Quang Tạo và được ông Tạo đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi đã trao đổi nhiều lần và xây dựng dự thảo nghị quyết về “khoán sản” trong nông nghiệp. Tuy nhiên, “khoán” vẫn là vấn đề “tối kỵ” khi đó. Thành ủy nhiều lần họp nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất cao. Bí thư Tạo và tôi chủ trương cùng với công tác vận động để tạo sự đồng thuận trong nội bộ, phải cho một huyện ra nghị quyết trước, để lấy ý kiến từ cơ sở, sau đó Thành ủy sẽ ra nghị quyết chính thức”, ông Thành nhớ lại.
Và huyện Đồ Sơn được chọn để làm trước, sau đó tháng 8/1980, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ra Nghị quyết 24 về khoán trong nông nghiệp. Ý Đảng hợp với lòng dân đã nhanh chóng được hiện thực hóa trong đời sống. Nhân dân hồ hởi đón nhận và lao động hăng say trên “mảnh ruộng của mình”, năng suất được tăng cao, không còn tình trạng hàng năm phải lên Trung ương xin gạo, xin mì.
Theo Báo Giao Thông