Chuyên gia: Nội Bài đóng cửa sẽ làm tắc nghẽn đường bay quốc nội
Với vị trí quan trọng của sân bay Nội Bài, việc tiếp tục đóng cửa cảng hàng không này gây khó cho kế hoạch mở lại đường bay nội địa, theo TS Trần Quang Châu.
Cục Hàng không Việt Nam đang lấy ý kiến 20 địa phương để thống nhất việc mở lại đường bay nội địa, trong đó đến nay Hà Nội là một trong ba địa phương chưa đồng ý và đề nghị ngành giao thông làm rõ nhiều vấn đề.
Trước diễn biến trên, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nhìn nhận Chính phủ đã chuyển trạng thái từ hướng tới mục tiêu không có ca Covid-19 trong cộng đồng, sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Việc kích hoạt lại hoạt động kinh tế, giao thông vận tải ở các địa phương cũng cần thực hiện theo tinh thần này, không nên “đóng cửa” chống dịch quá lâu.
Nhìn ra thế giới, lâu nay nhiều nước đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, mở lại đường bay trong nước cũng như tính toán lộ trình mở đường bay quốc tế, với các điều kiện đảm bảo an toàn như tiêm vaccine, xét nghiệm, cần thiết thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian ngắn…
“Hà Nội là thủ đô, trung tâm của cả nước, không nên cô lập về đường hàng không và các loại hình vận tải khác. Chúng ta cần mở cửa giữa các địa phương và tiến tới là với quốc tế để phát triển kinh tế, đối ngoại”, TS Châu nêu ý kiến, và cho rằng đây là việc cấp bách sau 4 tháng chống dịch.
Chuyên gia hàng không Nguyễn Bách Tùng phân tích, sản lượng hành khách tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiếm 60% sản lượng các sân bay trong cả nước. Năm 2019, trước khi dịch bùng phát, Nội Bài đón hơn 29 triệu hành khách, Tân Sơn Nhất đón hơn 41 triệu. Số liệu cho thấy nhu cầu đi lại của người dân rất cao trên đường bay trục Bắc Nam và tại hai sân bay trọng điểm này.
“Dù đây là thời điểm dịch bệnh thì nhu cầu đi lại của người dẫn vẫn lớn, nhất là khi các địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế”, ông Nguyễn Bách Tùng nói.
Ngoài ra, sân bay Nội Bài không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô mà cả nhiều tỉnh Bắc Bộ, Tây Bắc nên việc đóng cửa sân bay ảnh hưởng đến đi lại của người dân trong cả vùng, chứ không riêng Hà Nội.
“Chúng tôi chia sẻ với chính quyền địa phương về yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn. Nội Bài dừng hoạt động sẽ khiến trục đường bay quốc gia và hoạt động kinh tế liên quan trì trệ”, ông Tùng nói.
Theo chuyên gia này, nếu chỉ mở các đường bay ngách giữa các địa phương (Nội Bài vẫn đóng cửa) thì chỉ phục vụ được số ít người dân, hiệu quả khai thác không cao. Ví dụ người dân Hà Giang, Lào Cai khó đi vào Thanh Hóa để bay đi các địa phương khác.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thảo luận với UBND TP Hà Nội để đi đến thống nhất, thậm chí nếu cần phải báo cáo Thủ tướng xem xét vấn đề vì trục đường bay quốc gia không nên để từng địa phương quyết định.
Về góc nhìn doanh nghiệp, đại diện hãng Vietjet Air bày tỏ các doanh nghiệp hàng không đang ngày càng khó khăn, trong khi nhu cầu đi lại của người dân cao thì việc mở đường bay sớm là cần thiết.
“Hiệu quả nhất là mở đường bay trục Bắc Nam phục vụ nhu cầu người dân và kích thích phát triển kinh tế cả nước nói chung, tôi tin Hà Nội sẽ xem xét hướng giải quyết hợp lý”, đại diện Vietjet Air nói.
Đến trưa 6/10, trong số 20 địa phương được xin ý kiến, đã có 12 tỉnh, thành gửi văn bản góp ý về Cục Hàng không Việt Nam. Trong đó, có 9 địa phương gồm Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hoá, Đăk Lăk, Nghệ An. TP HCM và Thừa Thiên Huế đồng ý hoàn toàn hoặc một phần (đề xuất giảm tần suất) với kế hoạch của Cục Hàng không. Ba địa phương chưa đồng ý mở lại đường bay nội địa là Hải Phòng, Hà Nội và Gia Lai.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, sau khi tập hợp đầy đủ ý kiến các tỉnh, thành, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét cấp phép cho các hãng khai thác đường bay giữa các địa phương đầu đi và đến đã chấp thuận kế hoạch. Phương án phòng dịch cũng sẽ được xây dựng lại và công bố tới hành khách.
Trường hợp những ngày tới sân bay Nội Bài và Cát Bi (Hải Phòng) vẫn đóng cửa, hành khách ở phía Bắc có nhu cầu đi các tỉnh phía Nam sẽ phải đi đường bộ đến sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) và ngược lại.
Từ đầu tháng 8, ngành hàng không đã dừng toàn bộ các chuyến bay giữa Hà Nội, TP HCM và giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; sau đó dừng bán vé trên toàn mạng bay nội địa. Các chuyến bay chỉ được vận chuyển hàng hóa.
Chặng Hà Nội – TP HCM duy trì tối thiểu 2 chuyến mỗi ngày để đưa khách công vụ, khách làm nhiệm vụ chống dịch.
Theo VNEXPRESS