Chống ô nhiễm không khí: Bắt đầu từ không gian công cộng phát thải thấp
Hoàn toàn không sử dụng điện, hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ cung cấp điện cho nhà văn hóa và các khu vực trong khuôn viên. Với công suất khoảng 20kWp, hệ thống này sẽ đáp ứng được tương đương 90% nhu cầu dùng điện hiện tại của không gian này, ước tính sẽ giảm khí phát thải 1,6 tấn CO2 tương đương/năm và tương đương trồng được 1ha rừng.
Ước tính, hiện mỗi ngày thành phố Hà Nội tiêu thụ trên 400 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Cùng với đó, khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận đã và đang gây tình trạng ô nhiễm không khí đến mức nguy hại kéo dài ở Thủ đô. Một mô hình không gian công cộng phát thải thấp vừa được triển khai thí điểm đang mang nhiều kỳ vọng…
Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được ký kết thỏa thuận tham gia từ tháng 10/2017 giữa thành phố Hà Nội và tổ chức ICLEI (chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững cùng với các hợp phần khác như “Lời hứa của thành phố” hay “Mô hình không gian công cộng phát thải thấp” nhằm hướng tới một lối sống phát thải thấp, tạo nên một môi trường trong lành và khỏe mạnh cho người dân.
Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với một số đơn vị lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình không gian công cộng phát thải thấp. Với cơ sở hạ tầng sẵn có, gồm nhà văn hóa phường, sân chơi cùng một số thiết bị vui chơi cho trẻ em, các chuyên gia của Dự án đã nghiên cứu, tạo dựng thêm một số các hạng mục để biến nơi đây thành không gian công cộng phát thải thấp với các thiết bị đều được làm từ vật liệu tái chế và vật liệu tự nhiên có nguồn gốc bền vững.
Hoàn toàn không sử dụng điện, hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ cung cấp điện cho nhà văn hóa và các khu vực trong khuôn viên. Với công suất khoảng 20kWp, hệ thống này sẽ đáp ứng được tương đương 90% nhu cầu dùng điện hiện tại của không gian này, ước tính sẽ giảm khí phát thải 1,6 tấn CO2 tương đương/năm và tương đương trồng được 1ha rừng.
Cùng với đó là thiết bị cảm ứng giám sát chất lượng không khí tự động cập nhật các thông số về chất lượng không khí tại khu vực như bụi mịn, nhiệt độ, độ ẩm… để cư dân có thể theo dõi hàng ngày. Đây là một điểm rất mới, để người dân hiểu rõ về môi trường nơi họ đang sống, không khí họ đang hít thở, từ đó có đóng góp các giải pháp nhằm thiết thực góp phần giảm tải ô nhiễm môi trường.
Mô hình không gian công cộng phát thải thấp vì thế nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương và người dân sinh sống tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu giấy, Hà Nội.
Được biết, trong năm 2021, thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh thực hiện việc kiểm kê nguồn thải, ứng dụng các mô hình khác nhau nhằm xác định các nguồn ô nhiễm chính, trên cơ sở đó, thực hiện giải pháp góp phần cải thiện chất lượng không khí Thủ đô.
Nói về giải pháp để cải thiện chất lượng không khí cho Thủ đô, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng chỉ có thể giảm dần nhưng các giải pháp thì phải thực hiện ngay. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế. Khói bụi từ các công trình xây dựng cũng phải được kiểm soát…Có như vậy mới hy vọng lấy lại những gam màu xanh trên bản đồ chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội.
Theo Môi Trường