Cẩn trọng khi mua thiết bị y tế trực tuyến
Đây là khuyến cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) sau khi ghi nhận một số trường hợp người dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua các sàn/website thương mại điện tử (TMĐT).
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm các thiết bị, vật dụng y tế, đặc biệt trên các sàn/website TMĐT, tăng cao. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận một số trường hợp người dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua các sàn/website TMĐT chưa đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương.
Theo phản ánh, một số người dùng khiếu nại việc đặt mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi/trả thì nhà bán hàng không đồng ý.
Qua xác minh, Cục phát hiện việc đặt hàng từ những kênh TMĐT này đang xuất hiện thiếu sót. Cụ thể, trong quá trình đặt hàng, website bán thiết bị y tế không yêu cầu đăng nhập, thay vào đó yêu cầu người dùng cung cấp thông tin như: Họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ. Sau khi hoàn thành, một cửa sổ pop-up sẽ hiện ra, thông báo “Đã đặt hàng thành công”, ngoài ra không có các thông tin khác. Người tiêu dùng cũng không nhận được xác nhận đơn hàng qua điện thoại hay email.
Từ vụ việc trên, người dùng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định căn cứ pháp lý khi phản ánh, khiếu nại do không cung cấp được bằng chứng đã mua hàng tại website TMĐT.
Để hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi khi mua thiết bị y tế qua mạng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đưa khuyến cáo: Người dùng nên mua hàng tại sàn/website TMĐT đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương với hình ảnh logo thông báo tới Bộ Công Thương ở cuối màn hình giao diện.
Khi bấm vào logo, người dùng sẽ được chuyển hướng tới website Hệ thống Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương (http://online.gov.vn), trong đó thể hiện thông tin của sàn/website TMĐT. Nếu bấm chuột vào logo mà không được dẫn tới trang web trên, doanh nghiệp có dấu hiệu cung cấp thông tin không chính xác cho người tiêu dùng về việc đã đăng ký/thông báo tới Bộ Công Thương.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng cần lựa chọn sàn TMĐT/trang web thực hiện đầy đủ các bước cho phép người tiêu dùng đặt hàng. Cụ thể, yêu cầu đăng nhập/đăng ký khi mua hàng (đây là cơ sở để người tiêu dùng xem lại các đơn hàng đã thực hiện); tiếp đến là thể hiện thông tin đơn hàng sau khi người tiêu dùng đặt hàng thành công như: Mã đơn hàng, thông tin người bán, thông tin người mua, đơn vị vận chuyển, thời gian dự kiến nhận hàng; cuối cùng là gửi tin nhắn/email đến người tiêu dùng thông báo về việc đã đặt hàng thành công.
Khi nhận hàng, người tiêu dùng nên xem xét kỹ biên lai giao nhận của đơn vị vận chuyển, đặc biệt là phần thông tin người bán. Nếu thông tin người bán trên biên lai không khớp với sàn/website TMĐT, người tiêu dùng nên từ chối nhận hàng.
Người dùng nên tìm hiểu, tham khảo kỹ từ bạn bè, người thân, thông tin trên mạng về sàn/website TMĐT, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trước khi thực hiện giao dịch.
Người dùng cần nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị y tế giải quyết các yêu cầu khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Theo Công Thương